Vị đại gia khét tiếng sở hữu hơn 30.000 căn nhà ở các vị trí đắc địa nhất Sài Thành nức tiếng một thời. _ góc xưa

   

Một tay che nửa bầu trời, vị đại gia này phất lên nhanh chóng nhờ sở hữu hơn 30.000 căn nhà ở các vị trí đắc địa nhất Sài Thành. Ông cũng để lại cho đời vô số những công trình biểu tượng của thành phố.

 

Trong vài năm gần đây, nhất là giai đoạn 2021 đến nay, bất chấp tình hình dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, thị trường BĐS khu vực phía Nam, nhất là TP.HCM vẫn nhộn nhịp.

Hàng loạt các dự án lớn nhỏ được hình thành mỗi ngày. Nhưng có thể nhiều người không biết rằng từ thế kỷ 17 đã có những đại gia bất động sản xuất hiện, nhận ra tiềm năng của vùng đất vàng này.

Quả là như ông bà ta đã nói: “Anh hùng thời nào cũng có”. Trong số một trong 4 tứ đại hào phú lừng lẫy về mức độ quyền lực, sự giàu có lúc bấy giờ, chú Hỏa chính là vị tuy xếp thứ 4 trong bảng nhưng lại là người nắm giữ hơn 40% bất động sản Sài Gòn thời đó. Ông sở hữu hơn 30.000 căn nhà ở các vị trí đắc địa nhất Sài Thành và một trong số những căn nhà đó đến nay vẫn còn tồn tại.

“Chú Hỏa” (1845-1901) – tên khai sinh là Hui Bon Hoa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa, phiên âm là Hứa Bổn Hỏa hay còn gọi là Hứa Bổn Hòa, một thương nhân người Việt gốc Hoa – là một trong vị đại gia của Sài Gòn xưa mà dân gian từng tôn vinh: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sỹ – Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương – Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường – Lý Tường Quan và chú Hỏa – Hui Bon Hoa).

Tuy nhiên, theo nhiều giai thoại kể lại thì thực ra vị đại gia này có xuất thân nghèo khổ, Chú Hỏa từng kiếm sống bằng nghề buôn bán phế liệu, trong một lần thu mua ve chai, Chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ. Người khác nói rằng Chú Hỏa đã mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng.

 

Tài năng làm nên sự giàu có

Mặc dù còn rất nhiều câu chuyện khác xoay quanh việc làm thế nào mà từ cái nghèo, Chú Hỏa có thể vươn lên thành vị đại gia. Nhưng nhiều người đồng ý rằng, việc chú Hỏa phất lên không phải như lời đồn đãi do ông mua được chuông đồng hay nhặt được túi vàng trong chiếc ghế cũ, hay buôn bán cổ vật mà là nhờ có vốn ban đầu, nhờ có óc nhìn xa, nhạy bén với thương trường và quyết đoán trong công việc cộng với cơ hội đưa đến và biết nắm bắt cơ hội đã làm nên tên tuổi của một Hứa Bổn Hỏa.

 
 

Chính nhờ sở hữu tầm nhìn xa, trông rộng và nhờ vậy mà ông đã thấy trước được tiềm năng của vùng đất Sài Gòn lúc bấy giờ vẫn còn chằng chịt những kênh rạch lớn nhỏ. Ông chính là người đã mua lại toàn bộ khu đất tại trung tâm Sài Gòn và cho san lấp rồi xây nên Chợ Bến Thành – Khu chợ Mới lớn nhất thời bấy giờ và tồn tại cho đến ngày nay như một nét kiến trúc văn hóa độc đáo.

 

Chợ Bến Thành hiện nay đã được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 thì hoàn tất, với sự bỏ vốn của đại phú gia Hứa Bổn Hòa. Xung quanh chợ Bến Thành ngày nay vẫn còn những dãy nhà cũ xây cùng thời với chợ Bến Thành vốn thuộc sở hữu của ông Hứa Bổn Hỏa.

 

Dãy nhà bên cạnh chợ Bến Thành cũng là tài sản của Chú Hỏa.

 

Majestic là khách sạn đồ sộ bậc nhất thời ấy, cũng do dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng và tặng TP Sài Gòn thời thuộc Pháp.

 

Đến nay khách sạn Majestic vẫn hết sức lộng lẫy.

 

Ông được nhớ đến vì không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng của ông, theo sách ghi chép lại: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”.

Chú Hỏa còn luôn biết chia sẻ với cộng đồng cũng như giới cầm quyền đương thời qua việc xây dựng và sau này là hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội mà chức năng vẫn tồn tại đến tận ngày nay, như: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)…

 
 

Hình ảnh ngày xưa và ngày nay của Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương), nay là Bệnh Viện Từ Dũ – Bệnh viện phụ sản lâu đời nhất Việt Nam.

Đặc biệt, một trong các di sản đặc sắc mà ông Hứa Bổn Hòa để lại chính là dinh thự riêng có 99 cửa của mình, nay đã trở thành Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

 

Bởi ông là người gốc Hoa nên con số 99 này được xem như là con số vượng tài, vượng khí. Số 9 trong tiếng hoa phát âm là cửu mà hai số 9 cộng lại là 18; gồm số 1 phát âm là nhất và số 8 phát âm là bát nếu đọc chại đi sẽ thành chữ phát trong phát tài, phát lộc. Từ đó có thể suy ra 99 cánh cửa tượng trưng cho câu nói: “Nhất phát cửu cửu” nghĩa là sự thịnh vượng trải dài trong suốt 99.

Dinh thự của chú Hỏa là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, điều cực kỳ xa xỉ ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Là sản phẩm cùa châu Âu nhưng thang máy lại được làm bằng gỗ, bên trong được bài trí, chạm trổ như một chiếc kiệu của quan.

 

Căn nhà 99 cửa của Chú Hỏa cũng nhuốm màu liêu trai với nhiều giai thoại được thêu dệt cả thế kỷ nay.

 

Đôi quang gánh tượng trưng cho thuở cơ hàn mua ve chai của chú Hỏa trong ngôi nhà 99 cửa.

Vậy là từ một anh Tàu mua bán ve chai trên đường phố, Chú Hỏa nhập quốc tịch Pháp và đổi tên thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Chú Hỏa thành lập công ty Hui Bon Hoa. Vào thời Pháp thuộc, để vinh danh chú Hỏa, một con đường đã được mang tên Hui Bon Hoa và sau này, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đường được đổi tên thành Lý Thái Tổ, nơi có tiệm phở Tàu Bay nổi tiếng Sài Gòn với tô “xe lửa”.

Năm 1901, Chú Hỏa trở về Trung Quốc với vợ và mất ở đây, được chôn cất tại Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến. Sự nghiệp của ông ở Việt Nam vẫn được con cháu tiếp tục sau khi ông mất. Chú Hỏa có tổng cộng 3 người con trai và họ đều là những nhân vật kiệt xuất, xây dựng và phát triển sự nghiệp sau khi cha hạ thế, cũng như giữ gìn sản nghiệp còn nguyên vẹn đến không ngờ. Từ năm 1951, các thành viên gia đình và con cái của dòng họ Hui Bon Hoa đã dần dần chuyển sang các nước khác: Pháp, Mỹ… Trước ngày 30-4-1975, tất cả thành viên của dòng họ Hứa Bổn Hỏa đã rời Việt Nam.