Có ai còn nhớ ngay trên đường Tự Do – con đường sang trọng nhất Sài Gòn – từng có một công viên? Đó là một “vườn treo” bồng bềnh trên con dốc góc Tự Do – Lê Thánh Tôn (nay là Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn).
Vốn dĩ, Sài Gòn là một thành phố có rất ít những con dốc, có lẽ vì vậy người Pháp đặt ở đây một công viên để càng làm tăng dấu ấn của con dốc này – một chút lãng mạn hoài niệm đồi Montmartre ở Paris chăng?
Công viên Chi Lăng trước thập niên 1950
Trên “vườn treo” có hàng cổ thụ rất Việt Nam, hàng thông xanh và bãi cỏ xanh rất Tây. Có tiếng chim và hoa, có ghế đá và những chiếc dù điểm xuyết đây đó đem đến cho khách cảm giác lâng lâng, thư thái. Ngồi chơi trong công viên này từ một góc không gian tĩnh lặng, ta có thể ngắm nhìn dòng đời nhộn nhịp trôi qua. Có thể “nháy mắt” chào tháp nhà thờ Đức Bà cao vút, chào vẻ uy nghi của tòa thị chính quen thuộc.
Mảng xanh của công viên Chi Lăng trước năm 75
Với du khách đang dạo bước khám phá những cửa hiệu san sát trên con đường một thời nổi tiếng với tên gọi quý phái “Catinat” thì công viên bỗng hiện ra như một điểm dừng thú vị bất ngờ. Với những người làm việc công sở gần đấy, hẹn nhau uống cà phê hay ăn trưa ở công viên rất thú vị mà không quá cao sang.
Từ công viên nhìn qua quán cafe La Pagoda nổi tiếng
Chiều tối đến, tại sân khấu nhỏ giáp bờ tường ngôi công thự Sở Giáo dục – đào tạo, thỉnh thoảng lại có hòa nhạc, có văn nghệ thu hút đông người xem. Nhất là dịp Noel và tết, nơi đây sáng choang đèn, đông vui người lớn và trẻ em đến chụp ảnh.
Tôi nhớ ở gần một bậc thang, lối lên công viên, nơi bờ tường ốp đá tảng theo kiểu tổ ong, có một tấm bảng bằng gang khắc dòng chữ kỷ niệm ngày khai trương công viên này. Đó là năm 1924!
Công viên lúc mới xây dựng
Lạ thật, vào năm ấy Catinat – con phố số 1 của Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” – tấp nập các cửa hàng, khách sạn. Thời đó kinh tế đang phồn thịnh, giá đất giá nhà cao chót vót không kém bây giờ nhưng người ta vẫn giữ miếng đất ở con dốc này làm công viên. Vẫn giữ “vườn treo” cho con phố thương mại có thêm nét đẹp nhân văn. Vẫn giữ cho giới trẻ Sài Gòn thêm một địa chỉ dạo chơi và hẹn hò. Sau năm 1954, công viên đó đổi tên là Chi Lăng, cái tên hào hùng, càng thêm ấn tượng khó quên.
Ngồi trong công viên này từ một góc không gian tĩnh lặng, ta có thể ngắm nhìn dòng đời nhộn nhịp trôi qua. Tôi nhớ ngày xưa trước năm 75, mỗi lần gia đình bận việc không thể rước tôi trong buổi tan trường là mỗi lần tôi được dịp thích thú. Thích thú vì được đi bộ từ trường về nhà, từ trường Lasan Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa) về nhà tôi có nhiều cách để đi, nhưng tôi vẫn thích chọn đi trên con đường Tự Do để được ghé vào công viên Chi Lăng lăn mình trên thảm cỏ ngắm nhìn trời xanh hoặc cùng bạn bè leo trèo trên chiếc đu “khỉ” rồi mới rảo bước về nhà. Tôi thèm được nghe những buổi hòa nhạc được tổ chức vào buổi chiều cuối tuần tại một sân khấu nhỏ trong công viên. Tôi nhớ những buổi hòa nhạc ở công viên Chi Lăng ngày ấy, hình như đã là một nếp văn hóa của người Saigon thời bấy giờ.
Vậy mà, bây giờ công viên ấy đâu rồi? Chỉ mới hơn một năm thôi, công viên Chi Lăng đã… bay lên trời. Nguyên một khu phố lớn ba mặt đường, bao gồm cả công viên Chi Lăng và ngôi công thự Sở Giáo dục – đào tạo bị quây lại sau hàng rào. Người ta tưởng như công viên được tu bổ nhưng không, tất cả được phá ra, đào xới trở thành công trường của cao ốc Vincom khổng lồ.
Tòa nhà Sở Giáo Dục (trước 75) hàng trăm tuổi bên cạnh công viên đã bị đập phá để xây dựng cao ốc
Nhìn hình phối cảnh cao ốc lộng lẫy được treo ở hàng rào, người ta có thể thấy hay lạ. Song, để ý kỹ thì có thể nhận ra gò đất ngày trước, “vườn treo” ngày trước nay được san bằng trở thành một cái sân mênh mông bên ngoài cao ốc. Nghe nói dưới mặt bằng sân là một khu shopping ngầm băng tới thương xá Eden. Hay đấy, nhưng công viên đâu rồi? Hàng cây cổ thụ, cây thông, bãi cỏ xanh, những chiếc ghế đá, sân khấu nhỏ liệu có được dựng lại?
Người dân Sài Gòn không cho phép xóa đi cuộc sống của một công viên xanh và nhân văn để thay bằng một cái sân bêtông cho dù nguy nga, tráng lệ; không cho phép đánh đổi một “vườn treo” tự nhiên rộng mở để lấy một “đại sảnh” lộng lẫy phụ trợ cho tòa cao ốc.
Tuy nhiên trong tôi vẫn luôn mãi in đậm hình ảnh công viên Chi Lăng, công viên có 86 năm tuổi của Saigon, một dấu tích đẹp của thế hệ trước, công viên của những ngày thơ ấu của mình.
Theo MadeinSaigon
Tòa nhà thời Pháp (nay đã bị đập để xây Vincom)