Sài Gòn những năm trước 1975 có những quán cà phê với bánh ngon tuyệt hảo với phong cách tây, nổi bật là La Pagode, Givral và Brodard. Ba nhà hàng ấy là 3 sắc thái riêng biệt làm nên cái trục “văn hóa không tên”, cái linh hồn của Sài Gòn, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn.
Nếu tìm đọc trong những tài liệu về Sài Gòn xưa trước 1975 thì quán cà phê La Pagode được mô tả sang trọng hệt như ở Pháp, nơi khách đến ngồi trên những salon bọc da để phóng tầm mắt nhìn ra con đường Catinat (đường Tự Do, nay là Đồng Khởi) con đường đẹp và sang nhất của Sài Gòn.
Cách La Pagode không xa là khách sạn Continental cũng có một không gian cà phê sang trọng theo phong cách Pháp.
Đối diện với khách sạn Continental là Givral cũng là một huyền thoại cùng thời, nổi tiếng với những món bánh ngọt tuyệt hảo. Tiệm tràn ngập ánh sáng bởi những khung cửa kính nhìn ra Nhà hát Lớn. Đây là nơi “tụ tập” của các nhà văn nghệ sĩ, nhà báo, ông nghị vào các buổi sáng. Họ thường ghé đây để nhâm nhi cà phê, trò chuyện và “bình loạn” trước khi tỏa đi khắp nơi cho công việc riêng của mình.
Một quán cà phê với phong cách phương Tây không kém là Brodard với bàn ghế, trang trí nội thất sang trọng. Brodard cũng gần giống với La Pagode với không gian yên tĩnh, ánh sáng nhẹ để khách có thể ngồi thưởng thức cà phê.
Sự thay đổi và phát triển của thành phố khiến những quán cà phê này dần thay đổi, biến mất nhưng đâu đó, người ta muốn giữ lại những huyền thoại đẹp đẽ của Sài Gòn.
Cách đây vài năm, hồi 2012 khi tòa nhà Vincom A vừa mở cửa, quán cà phê – nhà hàng Brodard cũng xuất hiện trở lại (trước đó là tòa nhà Eden, ngay góc đường Đồng Khởi nhìn sang nhà hát lớn) nhưng sau một thời gian cũng không còn trong sự tiếc nuối của nhiều người.
Vài ngày trước, Brodard cũng đã “hồi sinh” trong một cái tên mới là Brodard Restaurant – Tea House – Pastry cũng ngay tại góc đường cũ là Nguyễn Thiệp – Đồng Khởi, cũng với một không gian tao nhã, thắp sáng lại một góc phố lịch sử.
Brodard trong một diện mạo mới nằm trong tòa nhà có lối kiến trúc thời Pháp thuộc với mặt tiền trang nhã được khôi phục mới hoàn toàn; nội thất thiết kế lịch lãm theo phong cách ấn tượng của sàn đá cẩm thạch đen, trắng và trần mái vòm trang trí những chiếc đèn chùm sang trọng.
Không gian nhà trà và bánh ở tầng trệt có thiết kế sang trọng cùng nhiều loại bánh (bánh mì, bánh ngọt, bánh quy, bánh kem…), sô-cô-la và cà phê Perfetto Caffe.
Tầng trên có các loại rượu vang Pháp hảo hạng và phục vụ nhiều món Pháp cổ điển như hải sản hầm; cừu hầm với cà rốt hữu cơ và hành tây; tôm hùm đút lò; trứng chần với gan ngỗng, măng tây và nấm truffle.
Với những ai yêu muốn tìm chút hương vị của Sài Gòn xưa có thể đến đây, thưởng thức các loại bánh ngon và “xả stress”.
Trở về thập kỷ 1950: Cà phê vớ (cà phê vợt)
Năm một ngàn chín trăm… hồi đó, người Sàigòn chưa ai biết kinh doanh với nghề bán cà phê cả. “Xếp sòng” của “ngành kinh doanh có khói” này là do các xếnh xáng A Hoành, A Coón, chú Xường, chú Cảo… chủ các tiệm hủ tíu, bánh bao, há cảo, xíu mại. Vô bất cứ tiệm hủ tíu nào vào buổi sáng cũng có bán món cá phé, cà phê, cà phe đi kèm để khách có thể ngồi đó hàng giờ nhăm nhi bàn chuyện trên trời dưới đất.
Hồi đó chẳng ai biết món cà phê phin là gì đâu. Các chú Xường, chú Cảo, A Xứng, A Hía chỉ pha độc một loại cà phê vớ. Một chiếc túi vải hình phễu được may cặp với một cọng kẽm làm vành túi và cán. Cà phê bột đổ vào túi vải (gọi là bít tất, hay vớ đều được). Vì chiếc vợt cà phê nầy hơi giống như chiếc vớ dùng để mang giày nên “dân chơi” gọi đại là cà phê vớ cho vui. Chiếc vớ chứa cà phê này sau đó được nhúng vào siêu nước đang sôi, lấy đũa khuấy khuấy vài dạo xong đậy nắp siêu lại rồi ”kho” độ năm mười phút mới có thể rót ra ly mang ra cho khách. Chính cái “quy trình” pha chế thủ công đầy phong cách Tàu này mà dân ghiền cà phê còn gọi nó là “cà phê kho” bởi chỉ ngon lúc mới vừa “kho nước đầu”. Nếu ai đến chậm bị kho một hồi cà phê sẽ đắng như thuốc Bắc.
Có mấy khu vực có những con đường qui tụ rất nhiều tiệm cà phê hủ tíu. Ở Chợ Cũ có đường MacMahon (đọc là đường Mạc Má Hồng, nay là đường Nguyễn Công Trứ) có rất nhiều tiệm cà phê kho từ sáng đến khuya. Khu Verdun – Chợ Đuổi (nay là Cách Mạng Tháng 8) cũng đáng nể bởi cà phê cà pháo huyên náo suốt ngày.
Ở bùng binh Ngã Bảy (góc Điện Biên Phủ và Lê Hồng Phong bây giờ) có một tiệm cà phê hủ tíu đỏ lửa từ 4 giờ sáng cho đến tận 12 giờ đêm. Còn nếu ai đi lạc vào khu Chợ lớn còn “đã” hơn nhiều bởi giữa khuya vẫn còn có thể ngồi nhăm nhi cà phê, bánh bao, bánh tiêu, dò-chả-quải đến tận sáng hôm sau…