Kỷ niệm tuổi học trò – Nhắc nhớ một tuổi thơ từ trang vở cũ ‎_ góc xưa

   

Tình cờ nhìn thấy cuốn tập cũ, lòng tôi chợt dâng lên một niềm cảm xúc, bồi hồi gặp lại thời thơ ấu từ những trang vở ngày xưa.

Cuốn tập này đã xưa lắm rồi. Tôi không còn nhớ rõ khoảng thời gian chính xác mà tôi sử dụng nó, chắc cũng vào khoảng những năm 1960. Đây là cuốn tập chỉ những đứa học sinh con nhà khá giả mới được xài bởi loại giấy trắng láng giúp chữ viết nổi bật hơn, không bị lem mực, bìa giấy dày, được đóng tập chắc chắn nên rất khó bị rách.

 

 
 

Ngày đó, nơi tiệm tạp hóa gần nhà, cô chủ tiệm thường đặt những chồng tập trên tủ kiếng cao, mỗi chồng là một kiểu bìa khác nhau. Cạnh bên chồng tập vở là những cuốn sách gáy dày với nhiều chủ đề và loại sách khác nhau. Tôi thường ưu tiên chọn bìa hình con gái – bức tranh vẽ 3 cô thiếu nữ 3 miền duyên dáng với phong thái đặc biệt ứng với từng miền của họa sĩ Lê Trung. Tụi con trai lại thường chọn những cuốn tập có hình người đàn ông, cảnh vật hay động vật,…

Vốn tính cẩn thận và tỉ mỉ nên con gái tụi tôi giữ gìn tập vở cẩn thận lắm! Chúng tôi thường nắn nót chữ thật đẹp và ngay ngắn, tuyệt đối không để tập vở bị quăn góc, một giọt mực cũng không thể để vẩy lên chiếc bìa vở xinh xắn kia được. Từng cuốn tập được chúng tôi đặt ngay ngắn trên bàn học, trong túi xách đến trường với tấm lòng trắng tinh tươm như một tờ giấy mới.

 
 
 

Cuốn tập dắt tôi về một miền ký ức, cho tôi gặp lại một kỷ niệm tưởng chừng đã ngủ yên trong tiềm thức rồi đột ngột sống lại trong lòng. Cuốn tập nhắc nhớ tôi về một tiệm sách thân thương đã gắn bó với tuổi thơ của tôi trong một tỉnh lỵ nghèo nàn, buồn héo hắt. Ngày còn nhỏ, cứ mỗi buổi trưa tan học về là tôi lại ghé qua tiệm sách, nhìn chằm chằm vào những chiếc bìa sách đầy màu sắc và những tờ nhật trình thơm thơm mùi giấy, mùi mực in đang treo lủng lẳng trên đầu. Tôi đứng đó say mê nhìn cho đến khi bụng đói cồn cào mới sực nhớ ra rồi vội vàng chạy về nhà.

 
 

Lớn hơn một chút, trở thành một cô nữ sinh ngày ngày mặc áo dài đến trường, tôi cũng không thể nào bỏ được cái thói quen đến nhà sách để “đọc ké” mấy tờ báo thiếu nhi, mấy cuốn sách trên kệ. Vừa đi học, vừa giúp đỡ gia đình nên tôi cũng khá bận bịu. Sau mỗi buổi tan học, tôi về nhà thay áo dài rồi lật đật xách cơm ra sạp vải của bà rồi cùng bà dùng bữa trưa. Ăn cơm xong tôi ngồi trông hàng cho ngoại nghỉ trưa, đến khi ngoại tỉnh dậy tôi mới về nhà để nấu cơm chiều. Vậy là cứ như thường lệ, trên đường về nhà là tôi lại ghé ngang tiệm sách nằm ngay dãy phố chợ.

Tiệm sách có 2 cánh cửa, một cánh cửa nhìn thấy rõ được tiệm Nhựt Quang và một cánh cửa hông mở ra là thấy một con đường tráng nhựa tan nát vì những trận lụt. Đứng nơi cửa hông này, tôi có thể cảm nhận được những hạt bụi đỏ bay phù phù vào mặt khi có xe đi qua, chấp chới trong nanh nắng chói gay gắt của một ngày hè. Tôi nghe được âm thanh nhộn nhịp, những tiếng í ới gọi nhau, những tiếng rao hàng, tiếng cười đùa nơi bến xe đò nằm ngay trước cửa chợ. Ngày ấy còn nhỏ, tôi chỉ cảm thấy những âm thanh và những hạt bụi mù mịt kia là thứ gì đó thật phiền phức, vội vàng đóng sầm cánh cửa lại rồi trở lại bên giá sách, chọn cho mình một tờ báo rồi say mê đọc. Vậy mà giờ đây, lắm lúc thèm lắm những âm thanh ngày xưa lại chẳng thể nào nhớ nổi.

 
 
 

Cô chủ tiệm sách Rạng Đông – tiệm sách nơi đầu dãy phố chợ là một người phụ nữ hiền lành, luôn niềm nở với khách với nụ cười trên môi. Cô lúc nào cũng đứng sau quầy kiếng đựng đầy các món văn phòng phẩm, nhìn tôi đang chăm chú “coi cóp” hết những tờ báo thiếu nhi này đến những cuốn truyện tranh kia rồi cười một các hiền hậu.

 
 

Tôi yêu thích việc đọc, từ những trang báo đến những cuốn sách trên kệ các tiệm sách đã làm tôi trở thành một con người theo nghiệp viết như hôm nay. Tôi vẫn luôn thầm cảm ơn những cô chủ hiệu sách tốt bụng đã góp phần nuôi dưỡng cho mong ước của tôi trở thành hiện thực.

 
 

 

Cầm cuốn tập vở cũ trên tay, bao nhiêu ký ức chợt ùa về như ngày còn nhỏ, ngày đôi tay run run nắn nót những nét chữ đầu đời, những ngày lóng ngóng khi bắt đầu sử dụng bút mực viết lên trang vở, ngày tuổi thơ khép lại trong những trang vở thân thương vương màu kỷ niệm.