Cảm nhận ca khúc "Áo Lụa Hà Đông" (Ngô Thuỵ Miên, Nguyên Sa) - Một bóng dáng cũng đủ làm nhung nhớ cả cuộc đời _ GX

   

Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng những từ ngữ tuyệt mỹ, những giai điệu trữ tình, mượt mà của ca khúc Áo lụa Hà Đông (được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc, từ bài thơ cùng tên của cố nhà thơ Nguyên Sa) vẫn làm lay động biết bao con tim của người yêu nhạc. Và cũng nhân kỉ niệm 24 năm ngày mất của cố nhà thơ Nguyên Sa chúng ta hãy cùng nhau hồi tưởng lại một gốc tâm hồn của ông bằng những ca từ của bài hát sống mãi với thời gian này.

Điểm qua một chút về tiểu sử Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sinh ngày 26 tháng 9 năm 1948 tại Hải Phòng, và là con thứ hai trong một gia đình 7 người con. Ông lớn lên trong môi trường sách vở và thơ văn, do gia đình ông có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở Hải Phòng, và sau này ở trên đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) khi vào định cư ở Sài Gòn. Tại đây, ông học trường Trung học Nguyễn Trãi và sau đó là Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.

Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên

 

Điểm qua một chút về tiểu sử Nhà thơ Nguyên Sa

Nguyên Sa (1 tháng 3 năm 1932 – 18 tháng 4 năm 1998), tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi mười ba", "Tháng sáu trời mưa", "Hư ảo trăng".

Nhà thơ Nguyên Sa

Nói đến lụa Vạn Phúc – Hà Đông thì ai cũng biết, ai cũng từng nghe. Áo lụa Hà Đông đẹp vô cùng, dáng vẻ mềm mại, thướt tha nó đã đi vào không biết bao nhiêu là câu thơ, lời bài hát làm lay động không biết bao nhiêu trái tim, vấn vương không biết bao nhiêu người. Và áo dài lụa Hà Đông được ví như là biểu trưng của người con gái Việt Nam nhẹ nhàng, đẹp đẽ, nhu mì,…khiến cho bao nhiêu người phải ngất ngây, say đắm.

 

Hình ảnh chiếc áo lụa Hà Đông được cố nhà thơ lấy cảm hứng từ quy định của 1 cuộc thi hoa hậu vào năm 1938 của xứ Bắc Kì. Có lẽ cũng là do vương vấn đâu đó câu chuyện cuộc đời của cô Hoa hậu “thuần nông” Lý Lệ Hà. Vương vấn vẻ đẹp khuấy đảo của cô khi khoác lên mình tấm “áo lụa Hà Đông” năm ấy, mà dù đã hơn 20 năm sau ông vẫn có cảm hứng để viết nên những từ ngữ đi vào lòng người như vậy. Cũng có thể ông chỉ mượn hình ảnh tuyệt mỹ ấy để viết tặng cho một người con gái nào đó mà ông thương!? Và có lẽ nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã cảm nhận được sự đồng điệu trong tâm hồn ông nên đã thổi hồn nhạc 1 cách hoàn hảo vào những vần thơ tuyệt vời ấy, khiến nó trường tồn mãi với thời gian:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng”

Nghe lại ca khúc "Áo Lụa Hà Đông" Tác giả: Ngô Thuỵ Miên | Thơ: Nguyên Sa | Trình bày: Duy Trác

Bấm vào Video để nghe ca khúc "Áo Lụa Hà Đông" Trình bày: Duy Trác (thu âm trước 1975)

Cái nắng Sài Gòn hiện ra gay gắt, nhưng chỉ cần hình bóng cô gái thoáng qua với chiếc áo lụa Hà Đông đã tưới mát tâm hồn của chàng trai ấy. Và cũng nhẹ nhàng ở lại trong tâm hồn anh, làm anh yêu say đắm đến vô cùng.

 Rồi cứ thế anh không ngừng được nỗi nhớ, trong vô thức hình bóng ấy cứ hiện về. Cả cảnh vật, cả mùa thu như ngưng động lại trong giây phút ấy nhưng thật ra chính tâm hồn anh đã dừng lại nơi cô gái ấy. Nhưng anh như choàng tỉnh vì sợ điều đó sẽ biến mất đi, nên “vội vàng” muốn mở cửa tâm hồn và “vẽ” nó trong tim mình:

         “Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

         Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh

 

         Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung

         Bay vội vã vào trong hồn mở cửa”

         “Em chợt, đến chợt, đi anh vẫn biết

 

         Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu

         Nhưng sao đi mà chẳng bảo gì nhau?

         Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại...”

Bấm vào Video để nghe ca khúc "Áo Lụa Hà Đông" Trình bày: Bằng Kiều

Cái tình cảm một khi đã nhen nhóm trong trái tim thì chỉ cần 1 ánh mắt, 1 bóng dáng cũng đủ ta thấy nhung nhớ cả quãng đời còn lại. Dù biết trước rằng như thế, rằng đó là điều bất chợt, là chẳng vì đâu. Nhưng con tim cũng không thể ngăn cẳn được nỗi buồn kia “vọng lại” trong tâm hồn của chàng trai ấy.

 Và cứ như thế anh ôm tương tư đi tìm kiếm bóng hình cô gái ấy, càng đi tìm nỗi nhớ ấy lại càng sâu đậm, càng da diết, càng in sâu trong tâm hồn ấy. Chính sự tìm kiếm không có hồi đáp ấy, đã khiến anh phải thốt lên tiếng lòng da diết nhất:

         “Em ở đâu? Hỡi mùa thu tóc ngắn!

         Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông

          Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

         Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

         Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi!!”

Không phải tự nhiên nhưng bằng cách tự nhiên nhất, những ca từ của bài hát cứ thế đi sâu vào trong lòng của chúng ta. Áo lụa Hà đông đã được rất nhiều ca sỹ thể hiện và thành công cho đến tận bây giờ.

Lối Cũ biên soạn

Nguồn tham khảo: wikipedia và Internet