Cảm nhận ca khúc "Anh Còn Nợ Em" (Anh Bằng, Phạm Thành Tài) - Cái "nợ" không dứt của mối duyên tình nhân thế _ GX

   

Có lẽ nhạc sĩ Anh Bằng là một trong những cái tên hiếm hoi tạo được bản “hit” khi đã bước vào số tuổi 80, thật sự rất đáng nể phục. Dù bắt đầu con đường âm nhạc muộn hơn nhiều người, nhưng ông đã dùng cả quãng đời còn lại của mình để đắm chìm trong con đường âm nhạc mà mình đã chọn. 

Và trong con đường đó những tác phẩm phổ thơ của ông cũng khiến cho nhiều người phải trầm trồ. Đặc biệt phải kể đến một bản nhạc vô cùng “hit” Anh Còn Nợ Em, bài hát được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Phạm Thành Tài, và vào năm 2001 bài hát đã được phổ biến lần đầu tiên bởi trung tâm Asia qua giọng hát của ca sĩ Gia Huy. Đến năm 2007 thì được ca sĩ Bảo Yến hát lại trên chương trình Asia 55 và từ đó lại càng trở nên nổi tiếng hơn - cho đến tận bây giờ từng giai điệu của bài hát vẫn đang từng ngày, từng giờ được cất lên.

Nhạc sĩ Anh Bằng

 

Sau một thời gian phổ thơ, nhạc sĩ đã nhờ người tìm kiếm thông tin về thi sĩ Phạm Thành Tài, nhưng khi tìm được thì được biết thi sĩ đã mất trước đó, nên ông đã chép tay những bản nhạc được ông phổ từ thơ của thi sĩ, trong đó có Anh Còn Nợ Em tặng cho người vợ của thi sĩ để làm kỷ niệm.

  Chúng ta cùng điểm qua một chút thông tin của thi sĩ Phạm Thành Tài, ông sinh năm 1932 và mất năm 1997, quê ở quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông từng bị tù Cộng Sản (8 năm), sau năm 1975 thì  qua Mỹ qua diện HO và học lấy bằng Đông Y Bác Sĩ ( OMD- Oriental Medical Doctor ). Ông bắt đầu viết văn và làm thơ từ năm 1955. Những tác phẩm đã xuất bản gồm có: Tình Em Còn Đó (Thơ), Hương Gây Mùi Nhớ (Thơ), Hoa Đào Năm Ngoái (Tập Truyện). Nhưng hầu như rất ít người biết đến ông.

Mối duyên thơ nhạc của hai con người tài năng này bắt đầu khá muộn, lúc nhạc sĩ Anh Bằng đọc được và phổ nhạc những bài thơ của thi sĩ thì ông đã qua đời. Có chút đáng tiếc vì ông không thể nhìn thấy những bài thơ của mình được âm nhạc chắp cánh và lại vô cùng nổi tiếng như vậy. Nhưng có lẽ ông cũng đã mãn nguyện lắm khi người đời giờ đây ai cũng sẽ không quên cái tên Phạm Thành Tài của mình.

Thi sĩ Phạm Thành Tài

So với bài thơ gốc, bài hát dường như chẳng thay đổi mấy chữ, và còn được lặp lại một số câu như càng làm tăng thêm cái “nợ” không dứt của mối duyên tình nhân thế của “Anh và Em”:

Anh còn nợ em

Công viên ghế đá

Công viên ghế đá

Lá đổ chiều êm

Có lẽ đối với những cặp đôi yêu nhau, “công viên ghế đá” là một hình ảnh vô cùng quen thuộc. Đó là nơi lý tưởng để cho họ có những buổi hẹn hò lãng mạn, họ sẽ cùng nhau trò chuyện, cùng nhau trao gửi những yêu thương, rồi cùng bên nhau lặng yên ngắm nhìn “lá đổ chiều êm”. Và đôi trai gái trong bài hát (bài thơ) cũng như vậy, nhưng có lẽ họ đã không còn được ở cạnh nhau, nên chàng trai cùng với những hồi tưởng về quá khứ đã nói rằng “anh còn nợ em”.

Không chỉ thế, anh ấy vẫn còn nợ cô gái cả “dòng xưa bến cũ”, nơi mà có “con sông êm đềm”, cùng với những kỷ niệm ngày nào mà hai người đã từng trao gửi nhau những tình cảm của thuở ban đầu. Nhưng giờ đây thì sao? Những lời hẹn ước ấy đã tan tành theo khói mây, dòng xưa đã không còn, bến cũ cũng đâu thấy bóng hình của ngày xưa?

Anh còn nợ em

Dòng xưa bến cũ

Dòng xưa bến cũ

Con sông êm đềm

 

Anh còn nợ em

Chim về núi nhạn

Trời mờ mưa đêm

Trời mờ mưa đêm

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Anh Còn Nợ Em" Trình bày: Quang Dũng, Mỹ Tâm

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Anh Còn Nợ Em" Trình bày: Quang Dũng, Mỹ Tâm

 

Cuộc tình tan vỡ, nào ai muốn, anh cũng không hề muốn, vì suốt cuộc đời này anh biết, anh biết là “Anh còn nợ em” - Nợ một cuộc tình bay cao, bay xa như “chim về núi nhạn”, và những ngày đồng hành cùng nhau bước trong những khó khăn của “trời mờ mưa đêm”. Biết là còn nợ, nhưng giờ đây anh phải trả làm sao đây, khi hai người đã không còn duyên để mà được bước cạnh nhau.

Anh luyến tiếc, anh vấn vương cuộc tình của hai người biết bao nhiêu thì những lời ca cuối cùng đã thể hiện hết được toàn bộ. Từ “nụ hôn vội vàng”, rồi đến “con tim bối rối” và cả “cuộc tình đã lỡ” - sự nhấn mạnh thêm một lần của tùng câu hát ấy khiến cho bất cứ ai nghe cũng phải xao xuyến, cũng phải thiết tha và tiếc nuối trong lòng. Phải yêu đến thế nào thì mới nhận hết phần “nợ” ấy về mình? Phải yêu đến mức nào thì mới thấy mình nợ người ta nhiều vô cùng đến như vậy?

Anh còn nợ em

nụ hôn vội vàng

nụ hôn vội vàng

Nắng chói qua song

 

Anh còn nợ em

Con tim bối rối

Con tim bối rối

Anh còn nợ em

 

Và còn nợ em

Cuộc tình đã lỡ

Cuộc tình đã lỡ

Anh còn nợ em

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Anh Còn Nợ Em" Trình bày: Elvis Phương

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Anh Còn Nợ Em" Trình bày: Elvis Phương

 

Cũng có lẽ vì quá, quá luyến tiếc vì đã không có duyên phận được đi tiếp một quãng đường với người mà mình yêu nên chàng trai cứ sống từng ngày trong hồi ức về những ngày xưa cũ. Rồi anh ước rằng giá như… ngày ấy anh quay trở lại, anh sẽ cùng với người mà mình yêu thương trải qua những giây phút hạnh phúc và yên bình như những đôi lứa yêu nhau đã làm. Nhưng đó cũng chỉ là mong ước mà thôi, thời gian đã không thể nào quay trở lại, mối duyên tình của anh cũng đã đứt đoạn từ lâu, và giờ đây, những điều mà anh muốn làm nhưng không thể làm đã ở lại trong lòng anh như một “món nợ” - món nợ mà Anh Còn Nợ Em ấy sẽ vĩnh viễn theo anh đi hết quãng đời còn lại của chính mình, trong nỗi ngậm ngùi đầy tiếc nuối và cả tình yêu vẫn còn nguyên vẹn nơi trái tim anh.

Anh Còn Nợ Em có lẽ chính là bài hát được xem là nổi tiếng bậc nhất trong đoạn sự nghiệp sau cùng của nhạc sĩ Anh Bằng. Sự thiết tha trong từng giai điệu và ca từ của bài hát (bài thơ) đã đưa khán giả chạm đến được những cung bậc cảm xúc tuyệt vời của âm nhạc, của một mối duyên tình lỡ làng nhưng đẹp đẽ tựa như ánh nắng chiều vẫn đang miệt mài “chói qua song”.

Nguyên văn bài thơ của thi sĩ Phạm Thành Tài như sau:

Anh còn nợ em

Công viên ghế đá

Lá đổ chiều êm…

 

Anh còn nợ em

Dòng xưa bến cũ

Con sông êm đềm ..

 

Anh còn nợ em

Chim về núi Nhạn

Trời mờ, mưa đêm…

 

Anh còn nợ em

Nụ hôn vội vã

Nắng chói qua rèm

 

Và còn nợ em

Cuộc tình đã lỡ

Con tim anh mềm…

 

Anh còn nợ em!

 

Lối Cũ biên soạn