Lòng xao xuyến buồn khi chia ly
Bạn ơi nhớ cầm tay nhau đi
Rồi mai đây tình sẽ cách đôi phương trời xa xôi.
Đó là những ca từ thiết tha trong ca khúc mang tên Ga Chiều, một ca khúc được sáng tác vào mùa hè năm 1962 của nhạc sĩ Lê Dinh.
Năm đó, khi nhạc sĩ tình cờ chứng kiến cảnh những người trẻ tiễn biệt nhau nơi sân ga vào một buổi chiều tàn của mùa hè, ông đã cảm nhận được sự luyến lưu, nỗi buồn khi chia ly sâu sắc và viết nên những dòng tâm sự đó trong Ga Chiều.
Để hiểu rõ hơn về phút giây ấy, các bạn nên tìm hiểu một chút về thành phố hoa lệ với tên gọi thân thuộc Sài Gòn. Có thể nói đây vốn dĩ là “một thành phố di dân” - mọi người từ mọi nơi luôn muốn đến nơi đây để học tập, để làm việc và dựng xây sự nghiệp. Hay có thể nói cách khác là những người đến nơi đây đều để kiếm tìm một tương lai tốt hơn cho chính mình. Ngày nay là như thế và các bạn nên biết rằng ngày xưa cũng không khác gì ngày nay cả, đặc biệt là việc học tập.
Nhạc sĩ Lê Dinh
Ở Sài Gòn, các trường học là nhiều “vô kể”, học sinh và sinh viên của rất nhiều tỉnh đều đổ về đây để theo học - chuyện này đã diễn ra rất lâu trước đó, từ trước những năm 1975. Từ ngày đó, Sài Gòn đã rất quen thuộc với khái niệm “trọ học”, vì rất nhiều người muốn con cái họ có điều kiện học tập và phát triển tốt hơn nên đều tìm cách đưa con “lên” Sài Gòn.
Họ lên Sài Gòn với những niềm tâm tư riêng, rồi họ học tập, thời gian trôi qua, họ dần quen với nơi thành phố lạ lẫm này, họ quen với trường học, quen với bạn bè và thậm chí nhiều người còn quen được cả những người làm cho trái tim mình rung động… Thế nhưng, thời gian học tập cũng nhanh chóng trôi qua, Xuân qua hè đến, họ lại bước ra sân ga, bến xe lên những chuyến tàu, chuyến xe để trở về quê hương. Chuyến đi ấy, có thể là tạm thời đến năm học mới họ sẽ lại trở về, nhưng cũng có thể sẽ là chuyến đi không biết bao giờ mới trở lại nếu như họ đã kết thúc chương trình học của mình… Vậy là, bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu tình cảm của họ sẽ phải ở lại nơi đây, ở lại trong lòng họ mãi mãi. Và đôi khi, có những thứ tình cảm mà họ vẫn chưa nói lên được thành lời từ đó cũng phải chấm dứt, dù rằng trong lòng vẫn luôn luyến lưu và nuối tiếc không nguôi:
Lòng xao xuyến buồn khi chia ly
Bạn ơi nhớ cầm tay nhau đi
Rồi mai đây mình sẽ cách đôi phương trời xa xôi.
Tìm đâu thấy ngày vui bên nhau
Còn đâu những chiều trong mưa ngâu
Nhìn hoa lá mà ước mãi cho nhau cánh hoa muôn màu.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ga Chiều" Trình bày: Thanh Thuý
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Ga Chiều" Trình bày: Thanh Thuý
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ga Chiều" Trình bày: Như Quỳnh
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Ga Chiều" Trình bày: Như Quỳnh
Cuộc chia ly này dù rằng không ai muốn nhưng sẽ phải đến thôi. Giờ phút này, những người đã cùng bên nhau trải qua buồn vui biết bao năm tháng qua phải chia xa rồi. Lòng họ đều xao xuyến một nỗi buồn khó tả, họ lưu luyến nhau, tiếc nuối những ngày qua mà cầm tay nhau không rời. Cái cầm tay này, chỉ còn thêm phút giây này nữa thôi, nên “Bạn ơi nhớ cầm tay nhau đi/ Rồi mai đây mình sẽ cách đôi phương trời xa xôi” - Những tháng ngày bên nhau vui vẻ ấy, kể từ hôm nay họ sẽ không còn bắt gặp được nữa, cả “những chiều trong mưa ngâu” họ cùng “nhìn hoa lá mà ước mãi cho nhau cánh hoa muôn màu” cũng đã không còn nữa rồi, không còn nữa.
Vì giờ đây, thời khắc chia tay của họ đã đến rồi. Dù có rất nhiều điều muốn nói, muốn tỏ bày, dù luyến lưu chẳng muốn chia xa nhưng lời nói thì chẳng thể nào có thể cất lên được, và họ cứ như thế, im lặng nhìn nhau, lưu luyến mà nhìn nhau, nuối tiếc cũng chỉ nhìn nhau… Biết rằng không nói thì mai đây sẽ chẳng còn cơ hội nào để nói ra, để bày tỏ được nữa, nhưng nghĩ về tương lai, họ có nói ra, có bày tỏ thì cũng chẳng thể đổi thay được điều gì, bởi vì hai người sinh ra vốn dĩ đã ở hai nơi phương trời cách biệt, duyên phận bấy nhiêu đó là họ đã biết ơn cuộc đời lắm rồi. Và thời gian về sau họ sẽ luôn nhớ nhau, luôn nghĩ về nhau cho đến hết cả cuộc đời. Nếu cuộc đời an bài, họ được gặp lại nhau một lần nữa thì họ sẽ biết ơn, sẽ hạnh phúc lắm - Tình bạn, tình tri kỷ hay là tình yêu vừa chớm nở, điều đó chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu được, dù không hiểu được đối phương nhưng chí ít, họ cũng hiểu được bản thân họ - và dù cho thứ tình cảm ấy có được gọi tên là gì đi chăng nữa thì họ vẫn luôn ước mong, luôn khát khao sẽ gặp lại người bạn học mà khiến cho lòng họ luôn nhớ mong.
Nhớ phút chia ly nhìn nhau chẳng biết nói nhau câu gì
Để rồi người đi ngàn phương xa lưu luyến lúc phân kỳ
Thôi cầm tay nhau để mong ước đến phút ngày mai sau
Dù xa nhau nguyện ghi nhớ đến thuở mình bạc đầu.
Rồi anh bước lần vô toa trong
Lòng vương vấn niềm thương mênh mông
Người em gái tà áo trắng tung bay
Ga chiều im bóng.
Cùng với những mong ước, những khát khao đó, một người lên chuyến tàu, “bước lần vô toa trong”, lòng vẫn không thôi vấn vương về một bóng hình. Anh biết, mình đã đem lòng thương mến người con gái với “tà áo trắng tung bay” ấy, nhưng biết làm sao được, hôm nay anh phải đi rồi, rời xa nơi đây không biết bao giờ mới có thể trở lại…
Chuyến tàu lăn bánh cùng với nỗi lòng vấn vương của anh, và cùng với ánh mắt dõi theo của người ở lại. Tàu rời đi, sân ga dần thưa vắng, người vẫn cứ đứng im nơi đó mà nhìn về phía xa xa kia. Cho đến khi “tiếng còi vang nơi xa” người mới chịu quay bước trở về. Mới đây thôi họ còn nắm tay nhau mà giờ đây đã cách xa lắm rồi, nỗi lòng này ai có thể hiểu thấu. Tâm hồn người có lẽ đã miên man trôi theo chàng trai trên chuyến tàu ấy, chiều buồn người quay gót với nỗi tiếc thương vô bờ, kể từ bây giờ đã “thiếu một bóng dáng thân yêu”, và nỗi nhớ cứ như thế đã tràn ngập cả cõi lòng rồi… Nhớ, rồi buồn miên man nhuộm vàng cả nắng chiều đang chiếu xuống nơi sân ga giờ đã vắng bóng người.
Và khi tiếng còi vang nơi xa
Mình quay bước về trên sân ga
Chiều nay thiếu một bóng dáng thân yêu
Nhớ thương chan hòa…
Tròng tờ nhạc Ga Chiều được phát hành, nhạc sĩ Lê Dinh đã ghi lời đề tựa là “Mến trao các bạn học sinh trên đường về hè” - Những tâm tư, tình cảm của những giây phút chia ly ấy, có lẽ nếu ai đã từng là học sinh thì sẽ thấu hiểu ,một cách rất rõ ràng. Bước vào năm học, học sinh (ngày nay sẽ ít hơn), đặc biệt là sinh viên, các bạn sẽ ở khắp các tỉnh thành khác nhau đổ dồn về một trường, rồi những con người xa lạ sẽ cùng nhau học chung một lớp, từ sự bỡ ngỡ ban đầu mà làm quen với nhau, thân nhau và đồng hành với nhau qua những ngày tháng. Đến khi kết thúc khóa học, mỗi người sẽ lên xe, lên tàu trở về quê hương để tiếp tục những bước đi trên con đường của mình, có người sẽ chọn ở lại để lập nghiệp nơi thành phố họ theo học, nhưng cũng có người sẽ chọn rời đi và họ sẽ cách xa nhau. Và đúng như trong bài hát của nhạc sĩ Lê Dinh, dù họ có lưu luyến, có nuối tiếc thì họ vẫn sẽ đi con đường mà mình phải đi. Để rồi những cuộc gặp gỡ tiếp theo đó sẽ chẳng thể biết được là đến bao giờ… Nhưng họ cũng sẽ nhớ đến nhau, mãi mãi không bao giờ quên, và sẽ luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ được gặp lại nhau, sẽ cùng hội ngộ…để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn mà họ đã từng có cùng nhau.
Lối Cũ biên soạn