Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Còn Tuổi Nào Cho Em" của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng Nàng thơ Dao Ánh _ GX

   

Còn Tuổi Nào Cho Em là một bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1964. Đây là một trong những bài hát đầu tiên mà ông viết để dành tặng nàng thơ của đời mình “Dao Ánh”. Tôi không kể lại chuyện tình của hai người nữa, vì có lẽ những người hâm mộ nhạc Trịnh thì đều biết đến câu chuyện này. Thậm chí còn được truyền tai khá nhiều giai thoại về nó. 

Bây giờ tôi chỉ muốn nói một chút về bài hát, về sự ra đời của nó. Trong một bức thư gửi cho Dao Ánh vào ngày 31/12/1964 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết : “Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?”. Đó là những lời vô cùng ngọt ngào, rất dịu dàng mà ông dành cho “người yêu” bé nhỏ của mình khi hai người đang ở hai phương trời. Có lẽ lúc đó chỉ là tình yêu trong sáng từ sự cảm mến, vì lúc đó Dao Ánh mới vừa tròn trăng rằm. Vì sau 3 năm thư từ qua lại, lúc nàng vừa tròn 18, chàng nhạc sĩ mới dám thổ lộ những lời yêu đã kìm nén sau bao năm nhớ nhung.

Dao Ánh

Những tình cảm chớm nở ở cái tuổi trăng tròn, cái tuổi đó như là một bông hoa vừa mới chớm nở, đang còn ngây thơ và lạ lẫm với đời. Và những sự cảm mến lại được trao gửi nơi chàng nhạc sĩ nghèo - người mà đã từng thương mến chị gái cô, và cũng chỉ gặp thoáng qua một đôi lần. Cũng là một sự đời khó nói, vì tình yêu mà, làm sao lý giải được. Trong sự nhớ nhung vô bờ, nhạc sĩ viết:

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay

Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời

Tay măng trôi trên vùng tóc dài

Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này

Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may

Đó chính là cô gái xinh đẹp nhất vừa mới cập bến tuổi trăng tròn đầy ngơ ngác và bỡ ngỡ. Từ hình ảnh ngồi nhìn “lá vàng úa” trong một màu nắng chiều, và ngồi nghêu ngao từng câu ca rồi nhìn “mây bay ngang trời” cũng thể hiện ra hết sự trong trẻo nơi tâm hồn của một thiếu nữ mới lớn ấy. Chàng nhạc sĩ ấy dùng con mắt của một người si tình để nhìn ngắm người con gái mình thương.

Cô hiện ra thật đẹp với bàn tay như búp măng “trôi” trên một mái tóc dài óng mượt. Mái tóc cô như là một vùng trời tươi mát tràn ngập trong tâm hồn “anh nhạc sĩ”. Anh nhớ cô, một người con gái đang ở cái tuổi mộng mơ nhất, “ngơ ngác” nhất của đời người. Có lẽ tuổi 15 là cái tuổi đẹp nhất của một đời người con gái. Lúc này chính là lúc những cung bậc cảm xúc bắt đầu phát triển một cách rõ ràng, mãnh liệt và nồng nhiệt nhất. Họ biết thế nào là rung động, thế nào là vui buồn bất chợt, và cũng cảm nhận được đôi chút thế nào là tình yêu. 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Còn Tuổi Nào Cho Em" Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào để nghe ca khúc "Còn Tuổi Nào Cho Em" Trình bày: Khánh Ly

 

Khi lớn thêm một chút, đến cái tuổi “lang thang thành phố tóc mây cài” có lẽ những sự ngây ngô sẽ được thay bằng những cung bậc cảm xúc trầm buồn hơn. Vì lúc đó, những sự lo toan vô hình sẽ vô tình làm vương “buồn áo gầy vai”, những “dấu chân chim qua trời” cũng sẽ ghi dấu lại vết hằn thời gian lên người phụ nữ bé nhỏ ấy. Nhưng đây có lẽ chính là cái tuổi mà các cô gái mang nét đẹp mặn mà nhất, chín chắn và trưởng thành nhất trong cuộc đời. Vì thế nên ngoài mong muốn cho “tay em còn muốt dài”, anh chàng ấy còn tinh quái mong rằng người con gái trong lòng anh sẽ “cô đơn vào tuổi này”.

Điều này cũng dễ hiểu, vì khi yêu sâu đậm và sợ mất đi người con gái mình yêu nhất, ai cũng sẽ ích kỷ một chút và luôn muốn người kia sẽ chỉ là của riêng mình mà thôi. Có lẽ điều này là điều dễ hiểu nhất mà tôi có thể lý giải được. Khi đọc được những giải thích của ông về câu hát này, tôi chợt mỉm cười vì mình đã suy nghĩ đúng, ông nói rằng: “Thực ra tôi muốn bảo là cô gái hãy ngồi im đó, tôi đi tìm cuộc tình cho, vì em đẹp quá, em đi tìm rồi tôi mất em làm sao. Tôi dự định đi một hồi rồi quay lại nói: Anh tìm mãi không ra, thôi em yêu anh cho rồi. Nhưng tôi chưa kịp nói câu ấy”

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai

Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời

Xin cho tay em còn muốt dài

Xin cho cô đơn vào tuổi này

Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài

Đến đoạn hát này, dường như nó chính là những lời chàng nhạc sĩ đã hỏi Dao Ánh trong thư, rằng cô có bằng lòng với những suy nghĩ, những bộc bạch của mình hay không? Hay là “em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau?” cô muốn đến bên anh tuổi nào cũng được. Vì với anh trong mắt cô chính là cả một bầu trời tình yêu của mình. Anh muốn mình sẽ lau khô những giọt nước mắt sầu bi của cô (mây xuống vây quanh giọt sầu). Nhưng ông cũng sợ, một nỗi sợ vừa mơ hồ, cũng vừa rõ ràng mọi thứ sẽ tan biến như là “tuổi trời hư vô”. Nó như là một dự cảm không lành cho mối tình chưa kịp bắt đầu của anh và cô, và trong vô thức anh dùng bàn tay che dấu đi những giọt lệ rơi xuống nơi khóe mắt, cũng không thể kìm được nỗi buồn đang vỡ òa, anh thốt lên đầy da diết “Ôi buồn!

Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau?

Trời xanh trong mắt em sâu

Mây xuống vây quanh giọt sầu

Em xin tuổi nào. Còn tuổi trời hư vô

Bàn tay che dấu lệ nhòa

 

Ôi buồn!

Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu

Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù

Xin chân em qua từng phiến ngà

Xin mây se thêm màu áo lụa

Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ..

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Còn Tuổi Nào Cho Em" Trình bày: Ngọc Lan

Bấm vào để nghe ca khúc "Còn Tuổi Nào Cho Em" Trình bày: Ngọc Lan

 

Những giọt lệ rơi xuống, anh cũng nghĩ như cuộc tình của chính mình đã trôi qua cả “nghìn thu”. Và anh mơ ước được kết mây trong làn sương mù dày đặc, để có thể nhìn thấy bước “chân em qua từng phiến ngà”. Anh cũng nhờ mây “se thêm màu áo lụa” của người con gái anh thương, để cho anh có thể mang theo trong tâm trí trong những ngày hai người cách xa nhau. Nhưng đó cũng chỉ là những mộng ước của mình anh mà thôi, khi tỉnh giấc sẽ chợt nhận ra rằng, đã hết ngồi “từng tháng năm mong chờ” ấy.

Tính từ lúc cuộc tình của hai người chính thức bắt đầu đến khi kết thúc chỉ vỏn vẹn trong 5 tháng. Ông đã đợi đến lúc cô trưởng thành hơn để thổ lộ lời yêu (năm cô 18 tuổi), nhưng rồi nó cũng sớm ngày kết thúc như ông đã đoán trước. Lời bài hát như là lời tiên ứng cho cuộc tình của hai người vậy. Không ai hỏi lý do họ bắt đầu, cũng không ai hỏi lý do họ kết thúc. Những lý do đó chỉ làm xoáy sâu hơn nỗi đau trong tròng của những người trong cuộc. Thôi cứ để những người trong cuộc hiểu nhau có lẽ sẽ tốt hơn.

Bài hát này, thật sự rất khó hiểu, cũng có thể chỉ có mình tôi mới cảm thấy như vậy. Nhưng khi đã hiểu được rồi thì mới ngộ ra được “à, thì ra là vậy”. Nhưng một lúc sau tôi lại trở lại với cảm giác mông lung như ban đầu. Đối với tôi đây chính là một cái hay khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Kiểu như là tôi đang được lạc vào một thế giới quan khác vậy, cảm giác rất khó tả.

Khánh Ly chính là người ca sĩ thể hiện ra hết những sâu sắc của từng lời ca trong bài hát. Nghe Khánh Ly hát tôi cảm thấy bồi hồi, da diết, và có một chút u buồn. 

Ngoài ra, tôi còn thích Còn Tuổi Nào Cho Em qua sự thể hiện của một nữ ca sĩ trẻ có tên Miu Lê. Khi nghe cô ấy hát tôi cảm nhận được một màu sắc tươi sáng của tuổi trẻ, cũng da diết nhưng không phải là nỗi da diết pha chút tuyệt vọng như của Khánh Ly. Có thể nói cô đã thổi vào ca khúc một làn gió rất mới lạ, và có lẽ rất dễ đi vào lòng của cả giới trẻ ngày nay - những người mà có lẽ còn không biết đến Trịnh Công Sơn là ai.

Lối Cũ Biên Soạn