Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long - một nhà thơ của Việt Nam. Ông từng đi tu và rồi hoàn tục, nên có kiến thức khá thâm thúy về đạo Phật. Ông được coi là "người thi hóa kinh Phật" (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo. Nhiều thơ của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, và trở nên phổ biến trong công chúng, có thể kể đến Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, các bài Đạo Ca.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư (trái) - Nhạc sĩ Phạm Duy (phải)
Chỉ nhìn những tác phẩm thơ của ông được phổ nhạc thôi là đủ biết ông và nhạc sĩ Phạm Duy có một sự gắn kết cực kỳ đặc biệt. Nhìn sự ăn ý trong “thi - ca”, hay nói cách khác là tâm hồn của họ nhiều người còn ví họ như là một “đôi tình nhân”. Nhạc sĩ Phạm Duy khi nói về người tri kỷ Phạm Thiên Thư, ông kể:
“Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư - mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây - là nhờ ông Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, ông Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện cho hai bác sĩ Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm ông tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay.
Sau đó, chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày. Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa em tìm động hoa vàng hay bài thơ Gọi em là đóa hoa sầu... để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng... Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy”.
Được rút ra từ cả mấy trăm câu thơ để còn lại một bài hát, sự kết tinh của thơ và ca, nhạc sĩ Phạm Duy chắc hẳn cũng đã rất “vất vả”. Nhưng cũng có thể là sẽ không có gì khó khăn với ông vì hai người bạn vốn đã “tâm tư tương thông” nên ý và từ ấy sẽ dễ dàng hơn với một người nhạc sĩ vồn đã có tài.
Câu chuyện ngắn được tóm tắt lại từ một câu chuyện dài như sau:
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ người
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chảy một dòng thôi
Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” Trình bày: Thái Thanh
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” Trình bày: Thái Thanh
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” Trình bày: Duy Quang
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” Trình bày: Quy Quang
Ngày xưa “có gã từ quan”, “lên non tìm động hoa vàng nhớ người”, một người đã mệt mỏi với chốn quan trường đầy danh lợi ganh đua, tình người cũng chẳng còn được mấy, lại muốn trở lại với những ngày bình yên trước đó. Nhưng tại sao lại là “gã” mà không dùng một từ khác? chính là vì anh ta có thể còn rất trẻ, mới chỉ đỗ và làm quan chẳng bao lâu thì đã quá chán với sự đời bạc bẽo, lại bất cần mà chẳng suy nghĩ đến đời sống mưu sinh, cứ thế ngông cuồng ra đi chẳng ngoảnh lại. Anh đi “lên non tìm động hoa vàng”, có thể là một nơi chốn cụ thể, cũng có thể đó chỉ là một nơi thanh bình thiếu vắng bóng người mà thôi - đó chính là nơi thanh bình trong tâm hồn anh. Ở nơi đó anh “nhớ người”, nhớ lại những ngày xưa, người không “ngại mưa mau, đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi”. Hai người đồng lòng như “Sông này đây chảy một dòng thôi/ Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông”
Nhớ xưa em chưa theo chồng
Mùa Xuân may áo áo hồng đào rơi
Mùa Thu em mặc áo da trời
Sang Đông lại khoác lên người áo hoa
Anh nhớ người, nhớ lúc ấy khi “em chưa theo chồng”, nhớ từng màu áo e đã mặc qua. Mùa xuân thì “áo hồng đào rơi”, sang thu thì “mặc áo da trời”, những màu áo ấy đã cùng với người làm ngời sáng lên lòng anh. Anh yêu thiết tha và nhớ vô cùng, nhưng sao người lại ra đi làm lạnh lùng cả lòng anh khi “khoác lên người áo hoa” vào mùa đông buốt giá, mà màu áo ấy lại chẳng phải dành cho anh. Ngày người đẹp nhất là ngày lòng anh như chết lặng.
Rồi anh cũng làm quan, nhưng người cũng chẳng còn, rồi anh lại từ quan… “lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau”. Nhưng mà thôi nhớ để làm gì, vì người đã “chẳng còn yêu tôi”. Biết rằng đời trai mấy ai rơi nước mắt, thì anh cũng đành “leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng” - khóc để chỉ mình anh biết với đất trời, khóc để từ dã cõi lòng đau thương, khóc để “Thôi thì thôi mộ người tà dương/ Thôi thì thôi nhé... đoạn trường thế thôi”. Cuộc tình của đôi ta từ nay kết thúc, khóc để từ biệt người lần cuối, để cho lòng thôi đi nhớ nhung.
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Thôi thì em chẳng còn yêu tôi
Leo lên cành bưởi khóc người rưng rưng
Thôi thì thôi mộ người tà dương
Thôi thì thôi nhé... đoạn trường thế thôi
Nhưng đôi khi cũng không thể ngăn được cõi lòng, anh nhớ người xưa “rũ tóc thề”, nhớ những đêm cùng nhau ngắm ánh trăng tươi đẹp, rồi cùng nhau thề nguyền hẹn ước, lời thề ấy dù không nỡ nhưng giờ nó cũng đã bay đi về cuối chân trời. Lời hẹn ngày nào “đợi nhau tàn cuộc hoa này” giờ đây cũng đã “buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ”.
Câu “Cánh bướm đồi Tây” được thi sĩ Phạm Thiên Thư lấy từ điển tích xưa có chàng Trương Quân Thụy và nàng Tнôι Oanh Oanh đã gặp nhau lần đầu tại chùa Phổ Cửu chốn đồi Tây, chuyện тìɴн của họ đã dệt thành mối lương duyên, và đã trở thành nguồn cảm hứng của bao тнι nhân. Đây chính là một “hạt ngọc” sáng ngời được nhạc sĩ Phạm Duy sau khi chắt lọc kỹ càng mà nên.
Nhớ xưa em rũ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Buồn như cánh bướm đồi Tây hững hờ
Nhưng càng nhớ chỉ khiến cho trái tim anh càng thêm đau buồn. Thôi thì từ giã quan trường, anh đi tìm lên “miền cực lạc” của cõi lòng mình. Nơi “động hoa vàng” có thể cho anh một giấc ngủ say. Một giấc ngủ có thể “để mặc mây trôi”, có thể “ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan” ngào ngạt ngát hương cùng với gió mát trăng thanh. Và từ nay quên hết sự đời, xem như chúng “chỉ là phù vân”, những gì anh phải chịu đựng, những nỗi buồn đau ấy xin chào tạm biệt “thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi”.
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu
Rồi quên hết, rồi cứ sống, cứ tận hưởng những gì tốt đẹp nhất của thiên nhiên. Lòng người sẽ nhẹ nhàng như làn gió mát thổi qua. Đời người là thế chứ có bấy nhiêu. Con chim nơi đây khi “chết dưới cội hoa” thì “tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà”. Và anh cũng vậy, nếu mai đây chết đi anh cũng sẽ hòa mình vào thiên nhiên huy hoàng này mà “chết dưới cội đào”, người đời còn ai có nhớ, có khóc thì cứ “xin nhỏ lệ vào thiên thu”.
Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng khiến tôi cảm thấy như mình đang lạc vào một chốn tiên cảnh cùng với một người đã “đắc đạo thành tiên”. Anh đã chịu mọi đau khổ, dằn vặt của cuộc đời, của tình yêu khi còn rất trẻ, cũng ganh đua cũng tự ái mà lao vào chốn quan trường đầy toan tính. Nhưng cũng hiểu ra và buông bỏ một cách nhẹ nhàng, sống nhẹ nhàng và cái chết với anh cũng nhẹ nhàng. Mọi lo toan, đau đớn, mệt mỏi như đã được buông bỏ hết khi con người ta tìm được cội nguồn của lòng mình.
Sự thanh ca, thanh bình ấy đã được thể hiện trọn vẹn qua giọng hát tuyệt vời của danh ca Thái Thanh. Đến tận bây giờ bài hát ấy vẫn đang được vang lên… nhẹ nhàng tưới mát tâm hồn của những con người yêu nhạc.
Lối Cũ biên soạn