Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa ca khúc "Chuyện Người Đàn Bà Ngàn Năm Trước" (Song Ngọc) - Chuyện về người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình _ TMCX

   

Chuyện người đàn bà 2000 năm trước

Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài

Chuyện người đàn bà nơi thành phố đó

Dấu tích hành thân. Vì đâu? Vì đâu?

Vì đâu, Nên tội tình mang nhục hình.

Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu.

Đoàn người cổ thành vây chặt khu phố

Thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm.

Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết

Đống đá ngổn ngang. Chờ ai?

Chờ tay người ném chết một người không hận thù.

Người ơi vì đâu đọa đầy nhau

Ai người vô tội

Ai người không tội

Hãy mạnh tay ném đá ném đá ném trước đi

Còn, còn đợi gì? Ai, người vẹn toàn, Ai người trong sạch

Còn chờ chi? Ném chết ném chết Ném chết tội đồ nhân gian

Chuyện người đàn bà 2000 năm trước Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên

Vì người vô tội hay đời giả dối,

Thế giới giả nhân chào thua Người ơi, tình ơi....

Ai tội đồ, ai tỉnh ngộ Người ơi, đời ơi, cũng vậy thôi....

Nhạc sĩ Song Ngọc

Đâu là những ca từ trong một bài hát có tên là Chuyện Người Đàn Bà Ngàn Năm Trước được nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác vào khoảng năm 1998. Đây là một nhạc phẩm rất là đặc biệt được ông lấy nguyên mẫu về câu chuyện của một “người đàn bà 2000 năm trước” tại xứ Do Thái được ghi lại trong Kinh Thánh. Người đàn bà đó bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình - chính là “Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu” mà nhạc sĩ đưa vào lời nhạc của mình một cách đầy tính nhân văn và sự tinh tế.

Những người bắt quả tang phụ nữ này đang phạm tội là những bậc tu sĩ và những người có thẩm quyền trong xã hội trong thời đó. Sau đó họ đem người phụ nữ đó ra xét xử, cái chết với cô chính là một định mệnh, là một điều chắc chắn sẽ xảy ra với người phụ nữ ấy vào lúc này. Cô bị phán tội tử hình và thi hành án dựa theo luật Môsê là sẽ bị ném đá đến chết. Cô bị lôi ra nơi thi hành án giữa công chúng, xung quanh đã được chất sắn những đống đá, và tất cả mọi người đều xem đó là một điều hiển nhiên mà chấp nhận bản án đó. Nhạc sĩ Song ngọc cũng đã mô tả cảnh tượng đó rất chân thực qua từng câu hát:

Đoàn người cổ thành vây chặt khu phố

Thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm.

Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết

Đống đá ngổn ngang. Chờ ai?

Chờ tay người ném chết một người không hận thù.

Người ơi vì đâu đọa đầy nhau

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chuyện Người Đàn Bà Ngàn Năm Trước" Trình bày: Vũ Khanh

Bấm vào để nghe ca khúc "Chuyện Người Đàn Bà Ngàn Năm Trước" Trình bày: Vũ Khanh

 

Những câu hát sau cùng và là điệp khúc của bài hát lại là một câu chuyện kể về người mà luôn được tôn thờ trong đạo Thiên Chúa Chúa Giêsu. Là cách hành xử của Người khi được hỏi về việc có đồng ý với bản án của “người đàn bà” ấy hay không? 

Sau khi kết án cho người phụ nữ đó xong, những bậc tu sĩ và những người có thẩm quyền đó tìm đến Chúa Giê-xu và hỏi ý kiến của Người. Họ đến hỏi Chúa Giêsu không phải vì thiện ý vì họ rất ghét Người, họ chỉ đang muốn gài bẫy Người mà thôi. Nếu Chúa tha cho người phụ nữ họ sẽ tố cáo Người chống lại luật Môsê. Còn nếu Chúa kết án chị ta thì những lời rao giảng về yêu thương tha thứ của Chúa sẽ không còn ai tin nữa. Một cái bẫy thật hiểm độc. Đằng sau bản án dành cho người phụ nữ, họ hy vọng sẽ có một bản án khác dành cho Chúa Giêsu.

Đứng trước cạm bẫy nham hiểm này, Chúa Giêsu đã có một cách giải quyết rất khôn ngoan. Người không trả lời họ ngay mà chỉ im lặng cúi xuống viết trên đất một điều gì đó. Nhiều người cho rằng Chúa viết ra các tội lỗi của những người tố cáo. Cũng có ý kiến cho rằng Chúa cố tình im lặng để những kẻ tố cáo có thời gian nhìn lại cõi lòng mình, để nhận thấy mình cũng là những kẻ có tội.

Họ không thể nào chịu nổi sự im lặng đó nên đã hối thúc Chúa Giêsu: "Còn Thầy, Thầy nghĩ sao". Người ngước mắt lên nhìn thẳng vào họ, một cái nhìn thấu suốt tận tâm cang, và Người nói "ai trong các ông sạch tội hãy ném đá chị này trước đi". Câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho những hòn đá họ đang cầm trên tay để ném người phụ nữ lại ném vào chính lương tâm của họ. Và rồi không ai dám ném hòn đá đầu tiên vì ai dám nói mình là vô tội. Những hòn đá từ từ rơi khỏi tay họ. Thế là họ rút lui từng người một.

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Chuyện Người Đàn Bà Ngàn Năm Trước" Trình bày: Thế Sơn

Bấm vào để nghe ca khúc "Chuyện Người Đàn Bà Ngàn Năm Trước" Trình bày: Thế Sơn

 

Khi họ đã đi hết chỉ còn lại mình Chúa Giêsu và người phụ nữ. Một con người đau khổ đối diện với Đấng giàu lòng thương xót. Chúa nhìn chị ta với ánh mắt nhân từ, Người nói: "tôi cũng không kết án chị đâu, thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa".

Ai người vô tội

Ai người không tội

Hãy mạnh tay ném đá ném đá ném trước đi

Còn, còn đợi gì? Ai, người vẹn toàn, Ai người trong sạch

Còn chờ chi? Ném chết ném chết Ném chết tội đồ nhân gian

Chuyện người đàn bà 2000 năm trước Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên

Vì người vô tội hay đời giả dối,

Thế giới giả nhân chào thua Người ơi, tình ơi....

Ai tội đồ, ai tỉnh ngộ Người ơi, đời ơi, cũng vậy thôi....

Những ca từ này đã diễn tả được hoàn toàn mọi cảm xúc trong từng câu chuyện đó. Sự nhân từ của Chúa Giêsu, sự đau đớn của người đàn bà bị kết tội, và cả sự thức tỉnh lương tâm của những con người đang lạm dụng quyền lợi của chính mình. Đống đá vẫn còn y nguyên ở đó là “vì người vô tội hay đời giả dối”, vì “thế giới giả nhân chào thua Người ơi, tình ơi

Đây có lẽ chính là một tuyệt phẩm mà nhạc sĩ Song Ngọc để lại cho đời. Đó là một câu chuyện, là một bài học vô cùng sâu sắc và nhân văn. Từng thứ, từng thứ đã được ca sĩ Thế Sơn diễn tả vô cùng xúc cảm, vô cùng da diết trong từng câu hát, từng lời ca.

Lối Cũ biên soạn