Chuyện tình buồn của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên qua tuyệt phẩm "Hai Năm Tình Lận Đận" (Phạm Duy phổ nhạc) _ TMCX

   

Người đời vẫn thường truyền tai nhau, rằng nhạc sĩ Phạm Duy là một “phù thủy”. Ngoài tạo ra những bản nhạc bất hủ của chính mình, ông còn phù phép cho những bài thơ trở thành bất tử theo dòng chảy của thời gian.

Với Phạm Thiên Thư, nhạc của ông theo cách gọi của chính mình là sang, là thanh cao hơn. Còn với Nguyễn Tất Nhiên ông lại tìm kiếm được sự hồn nhiên và trong sáng của tuổi trẻ - cái mà ông gọi là phi chính trị. 

Khi đó là Sài Gòn năm 1972, những hậu quả của cái tết Mậu Thân năm nào vẫn chưa kịp tan đi thì “mùa hè đỏ lửa” lại tiếp tục tàn phá. Phạm Duy đã từng tâm sự lúc đó rằng: “Tôi hết chạy trốn vào đạo ca thì lại nhào ra với chiến ca, hết hạ mình xuống với vỉa hè ca, tục ca thì lại vươn lên với nữ ca, bé ca, bình ca… Tôi thèm thuồng được soạn tình ca, nhưng phải là tình ca không rầu rĩ cơ”.

Trong sự chới với của chính mình, và trong bầu không khí nặng nề hơn bao giờ hết của Sài Gòn, trong thơ và nhạc không phải là chủ đề chiến tranh thì chắc chắn là hòa bình. Rồi ông bắt gặp thơ của một chàng thi sĩ trẻ có tên Nguyễn Tất Nhiên như là bắt được chút ánh sáng cứu vớt bóng tối đang chìm ngập cả một vùng trời. Sự hồn nhiên tươi trẻ đó đã làm lung lay trái tim của một người nhạc sĩ đa tài Phạm Duy và những ca khúc trẻ trung của thời đại như Thà là Giọt Mưa, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Em Hiền Như Ma Soeur, Anh Vái Trời hay là Anh Nam Kỳ Dễ Thương, Hãy Yêu Chàng, Hai Năm Tình Lận Ðận… đã được ra đời như vậy.

Riêng Hai Năm Tình Lận Ðận được ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Bài thơ được viết vào năm 1972, lúc ông kết thúc mối tình thứ hai của cuộc đời mình.

Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy (phải)

Sau mối tình đầu với cô bạn học tên Duyên không thành ông đã chú ý nến một cô nữ sinh khác, nhỏ hơn mình hai lớp có tên Minh Thủy. Nhưng có lẽ vì mối tình đầu của ông được quá nhiều người chú ý đến (vì ông đã viết tặng nàng ấy cả tập thơ, hơn nữa nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một bài thơ trong đó có tên là khúc Tình Buồn thành một bài hát khá nổi tiếng là Thà Như Giọt Mưa), nên dù lúc đầu không từ chối sự săn đón của chàng thi sĩ nhưng cô cũng khá dè dặt và e ngại. Rồi sau đó đã chối từ tình cảm của Nguyễn Tất Nhiên, để cho ông ôm trái tim thất tình đau đớn mà viết nên Hai Năm Tình Lận Ðận:

hai năm tình lận đận

hai đứa cùng xanh xao

mùa đông, hai đứa lạnh

cùng thở dài như nhau

 

hai năm tình lận đận

hai đứa cùng hư hao

em không còn thắt bím

nuôi dưỡng thời ngây thơ

 

anh không còn lính quýnh

giữa sân trường trao thư

hai năm tình lận đận

hai đứa đành xa nhau

 

em vẫn còn mắt liếc

anh vẫn còn nôn nao

ngoài đường em bước chậm

trong quán chiều anh ngóng cổ cao

 

em bây giờ có lẽ

toan tính chuyện lọc lừa

anh bây giờ có lẽ

xin làm người tình thua

 

chuông nhà thờ đổ mệt

tượng Chúa gầy hơn xưa

Chúa bây giờ có lẽ

rơi xuống trần gian mưa

 

dù sao thì Chúa cũng

một thời làm trai tơ

dù sao thì Chúa cũng

là đàn ông... dại khờ

 

anh bây giờ có lẽ

thiết tha hơn tín đồ

nguyện làm cây thánh giá

trên chót đỉnh nhà thờ

 

cô đơn nhìn bụi bặm

làm phân bón rêu xanh

dù sao cây thánh giá

cũng được người nhân danh

hai năm tình lận đận

em đã già hơn xưa!

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Hai Năm Tình Lận Đận" Trình bày: Duy Quang

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Hai Năm Tình Lận Đận" Trình bày: Duy Quang

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Hai Năm Tình Lận Đận" Trình bày: Thanh Thuý (thu âm trước 1975)

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Hai Năm Tình Lận Đận" Trình bày: Thanh Thuý (thu âm trước 1975)

Và rồi sau đó nhạc sĩ Phạm Duy đã thổi hồn âm nhạc vào đó và tạo nên một ca khúc cùng tên và được con trai ông, ca sĩ Duy Quang thể hiện - đây cũng chính là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi cho chàng ca sĩ này. Lời bài hát đã được nhạc sĩ biến tấu vài phần để phù hợp hơn với giai điệu của nó, điều này cũng chính là sự tinh tế vốn có của nhạc sĩ Phạm Duy:

 

Hai năm tình lận đận, 

hai đứa cùng xanh xao

Hai năm trời mùa lạnh, 

cùng thở dài như nhau

 

Hai năm tình lận đận, 

hai đứa cùng hư hao

Hai năm tình lận đận, 

hai đứa đành xa nhau...

Mối tình ấy đã bắt đầu và kết thúc trong sự “lận đận” của cả hai con người. Hai năm có lẽ chính là kể từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc mối tình. Họ cùng yêu, cùng “lận đận”, cùng “xanh xao”, cùng hư hao” và khi trải qua “trời mùa lạnh” thì “cùng thở dài như nhau”. Có lẽ những điều đó đã khiến cho cả hai người họ cảm thấy mệt mỏi và bất lực để mà đi đến quyết định cuối cùng là “hai đứa đành xa nhau”.

Cô gái ấy trong mắt anh chàng thi sĩ đa tình hiện ra thật xinh xắn “em xưa còn thắt bím, nuôi dưỡng thêm ngây thơ”. Chính sự xinh xắn và ngây thơ ấy đã lấy mất cả tâm hồn anh, làm cho anh “lính quýnh” giữa sân trường trao vội cho cô bức thư tình cùng tấm lòng ấp ủ.

Em xưa còn thắt bím, 

nuôi dưỡng thêm ngây thơ,

Anh xưa còn lính quýnh 

giữa sân trường trao thư…

 

Em thường hay mắt liếc, 

anh thường ngóng cổ cao,

Ngoài đường em bước chậm, 

quán chiều anh nôn nao...

Rồi tình yêu của hai người cứ thế bắt đầu trong im lặng với những cái liếc mắt vu vơ của cô gái, và sự đợi chờ trông ngóng đến “cổ cao” của chàng trai. Và như biết trong “quán chiều anh nôn nao” tìm kiếm bóng dáng mình, cô gái đi ngoài đường cũng chậm bước chân hơn.

Đoạn thơ này khi viết nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã cố tình để dài một câu có 7 chữ xen giữa bài thơ của mình:

em vẫn còn mắt liếc

anh vẫn còn nôn nao

ngoài đường em bước chậm

trong quán chiều anh ngóng cổ cao

Nhạc sĩ đã chỉnh sửa lại trong lời ca và nhiều người nhận xét rằng lời ca có khi còn có vần và giống thơ hơn của thi sĩ. Nhưng đó là nhận xét của người thường như chúng ta thôi. Mọi người có nghĩ qua rằng ông ấy là một nhà thơ? Nên điều đó chúng ta biết chẳng lẽ ông ấy lại không? Có lẽ đó chính là cách để thi sĩ tạo nên sự khác biệt và mới lạ trong thơ của mình, và cũng chính là cách biểu đạt tình cảm trông ngóng, mong đợi dài lê thê của bản thân. Nói cho cùng thì cả thi sĩ và nhạc sĩ đều là những con người vô cùng tài năng - không cần phải bàn cãi thêm.

Em bây giờ có lẽ 

toan tính chuyện lọc lừa

Anh bây giờ có lẽ 

xin làm Người tình thua...

Chuyện tình họ chỉ mới như thế thôi đã vội vàng kết thúc. Sự đau đớn dồn dập đến làm anh có chút mất niềm tin mà buông lời cay đắng “em bây giờ có lẽ, toan tính chuyện lọc lừa”. Cũng phải, không toan tính sao được khi chọn bên một người đã quá nổi tiếng như chàng thi sĩ với mối tình trước đó. mà dù cho có thế nào đi chăng nữa thì anh bây giờ cũng đành chấp nhận “làm Người tình thua”.

Đoạn nhạc - và cả thơ tiếp theo là một hình ảnh mà chưa ai từng hay nói đúng hơn là dám sử dụng một cách như vậy. Thi sĩ ví mình như là Chúa, vị thánh cao xa mà mọi người thờ phụng và tôn kính “Trước ngày lên ngôi Chúa, ai chắc không dại khờ”. Nhưng có lẽ vì là người ngoại đạo (và vốn là một người có tính cách ngông cuồng) nên ngôn từ ông dùng cũng rất vô tư và tự nhiên. Điều này cũng khiến cho nhiều người kinh ngạc nhưng cũng có phần thích thú khi nghe nhạc và thơ.

Chuông nhà thờ đổ lạnh, 

tượng Chúa gầy hơn xưa

Chúa bây giờ có lẽ 

xuống trần gian trong mưa...

Anh bây giờ có lẽ 

thiết tha hơn tín đồ

Xin làm cây Thánh Giá

 trên nóc cao nhà thờ

Cô đơn nhìn bụi bặm, 

xanh xác rêu phủ mờ,

Trước ngày lên ngôi Chúa, 

ai chắc không dại khờ...

 

Hai năm tình lận đận, 

hai đứa già hơn xưa

Hai năm tình lận đận, 

mình đã già hơn xưa...

Mình đã già hơn xưa…

Và rồi sự “lận đận” trong tình yêu ấy đã khiến cho “hai đứa già hơn xưa” - sự già nua ở đây chính là sự trưởng thành trong tâm hồn và suy nghĩ. Có lẽ vì quá khó khăn nên hai người đã suy nghĩ, đã khắc khoải và phân vân rất nhiều mới quyết định đi đến kết cục chia ly cuối cùng này để giải thoát cho tâm hồn của cả hai.

Nhưng chuyện tình của họ vẫn chưa hoàn toàn kết thúc ở đó, bởi vì 10 năm sau họ lại hội ngộ và nên duyên sau khi trải qua đủ những thăng trầm của cuộc sống. Tưởng chừng họ sẽ cùng nhau hưởng trọn niềm hạnh phúc nhưng cuộc đời lại trêu ngươi, họ chia tay sau khi đã có với nhau hai người con. Và sau đó thi sĩ sống lang thang, cô độc đến cuối đời.

Chúng ta có lẽ cũng sẽ cảm thán, đúng là cuộc tình của họ thật sự “lận đận”, không chỉ hai năm mà là đến cuối đời… 

Lời bài hát "Hai Năm Tình Lận Đận" Tác giả: thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao

Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao

Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau

 

Em xưa còn thắt bím nuôi dưỡng thêm ngây thơ

Anh xưa còn lính quýnh giữa sân trường trao thư

Em thường hay mắt liếc, anh thường ngóng cổ cao

Ngoài đường em bước chậm, quán chiều anh nôn nao.

 

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao

Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau

Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao

Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau.

 

Em bây giờ có lẽ toan tính chuyện lọc lừa

Anh bây giờ có lẽ xin làm người thua

Chuông nhà thờ đổ lạnh, tượng Chúa gầy hơn xưa

Chúa bây giờ có lẽ xuống trần gian trong mưa.

 

Anh bây giờ có lẽ thiết tha hơn tín đồ

Xin làm cây thánh giá trên nóc cao nhà thờ

Cô đơn nhìn bụi bặm, xanh xác rêu phủ mờ

Trưóc ngày lên ngôi Chúa chưa chắc không dại khờ.

 

Hai năm tình lận đận, hai đứa già hơn xua

Hai năm tình lận đận, mình đã già hơn xưa

Mình đã già hơn xưa...

Lối Cũ biên soạn