Trầm Tử Thiêng là một nhạc sĩ viết nhạc từ rất sớm, từ lúc ông còn học ở trường trung học, nhưng phải đến tận 10 năm sau đó ông mới có cơ hội trình làng ca khúc đầu tiên của mình.
Ca khúc đó có tựa đề là Lời Của Mẹ (hay còn được gọi với một cái tên rất phổ biến là Rồi Hai Mươi Năm Sau), được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cùng hợp soạn với Tấn An vào năm 1957, và là một trong những tác phẩm đầu tay của ông. Rồi Hai Mươi Năm Sau nguyên thủy vốn gồm có 2 phần: phần 1 là “Lời Của Mẹ”, phần 2 là “Lời Của Con”, nhưng phần 2 đã bị tuyệt bản. Nhạc sĩ cho biết hầu hết những tác phẩm đầu tay của ông sáng tác cuối thập niên 50 đã bị tuyệt bản vì nhiều lý do khác nhau mà lý do chính là biến cố năm 1975 .
Riêng phần 1 mang tên Lời Của Mẹ vẫn được phổ biến cho đến tận ngày nay với tên gọi chung của nó và phần 2 là Rồi Hai Mươi Năm Sau. Bài hát là lời ru của một người mẹ vừa mới làm mẹ khi vừa tròn 20 tuổi, trong thời gian đất nước còn phải chịu cảnh loạn lạc của chiến tranh. Nó chính là những lời tâm sự tận đáy lòng của một người mẹ khi nhìn về tương lai xa xăm đầy khó khăn ở phía trước.
Con ơi à ơi . . .
Đây là giấc ngủ ban đầu
Mẹ ru con
Bên ngoài gió thổi Nam non
Người mẹ trẻ mới “hai mươi tuổi đời” cất tiếng ru đầu tiên ru con trong giấc ngủ đầu đời. Tiếng ru êm đềm dịu nhẹ như là làn “gió thổi Nam non”, Tiếng ru chất chứa cả một giấc mộng đầu đời tươi đẹp của chính mẹ, chính là giấc mộng của tuổi hai mươi. Dù hai mươi thời đó không phải là cái tuổi tràn ngập xuân sắc nhưng cũng không thể gọi là già. Cái tuổi mà có lẽ giấc “mộng hai mươi” có một gia đình tràn ngập tiếng cười đông đủ của cả gia đình đã được thành toàn, nhưng giờ đây chỉ mới thành toàn có một nửa.
Hai mươi tuổi đời
Mẹ sinh con . . . yêu dấu à . . . ơi
Giấc mộng tuyệt vời
Giấc mộng . . . là mộng hai mươi
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Rồi Hai Mươi Năm Sau" (Lời Của Mẹ) - Trình bày: Giao Linh, Phi Nhung
Bấm vào để nghe "Rồi Hai Mươi Năm Sau" Trình bày: Giao Linh, Phi Nhung
Và mẹ cũng không thể biết được giấc mộng đó bao giờ mới được thành toàn khi “Bao nhiêu hưng vong, đón đợi thu vào tầm tay”. Có khi cho đến 20 năm sau giấc mộng ấy vẫn chưa thể thực hiện được. Lúc ấy, con cũng như mẹ bây giờ, cũng “hai mươi tuổi đời”, cũng đã lớn khôn. Và nếu “giấc mộng” của mẹ chưa tròn thì con cũng sẽ như cha của con, cũng sẽ “Con say tiếng gọi dị thường như say giấc ngủ đêm này” - Sẽ theo bước chân của cha mà “vui lên đường”, con đường tìm kiếm “giấc mộng” mà cả đời mẹ luôn mong ước.
Bao nhiêu hưng vong
Đón đợi thu vào tầm tay
Rồi con lớn khôn . . . hai mươi tuổi đời
Như mẹ ngày nay
Con vui lên đường à à . . . ơi
Con say tiếng gọi dị thường
Như say giấc ngủ đêm này
À à ơi . . . giấc ngủ trên tay
Giờ đây đang ôm con, ru con ngủ trong vòng tay mình mẹ lại nhớ về chồng mình, nhớ về cha của con. Nỗi nhớ da diết ấy càng khơi lên “giấc mộng” trong lòng của mẹ, “giấc mộng ngày còn hai mươi”. Mẹ chỉ ước cha sẽ thấy được mặt con, chúng ta sẽ được sớm ngày đoàn viên và cùng nhau vui vầy trong tiếng cười hạnh phúc.
Con ơi à ơi . . .
Đây là giấc ngủ ban đầu
Mẹ xa cha
Bên ngoài gió nổi thương ca
Đêm soi trăng vàng
Mẹ ru con . . . ngân tiếng tình tang
Gói mộng trong đời
Giấc mộng . . . ngày còn hai mươi
Nhưng có lẽ đến “hai mươi năm sau” thì giấc mộng đó vẫn chưa thể thực hiện được. Nhưng mẹ cũng sẽ vẫn tiếp tục mơ ước, và sẽ không bao giờ ngăn cản bước chân con “vui lên đường” theo “tiếng gọi quê hương” như chính bước chân của cha mình. Vì mẹ luôn tự hào vì điều đó, vì tự hào nên dù có phải sống trong nỗi nhớ chồng, nhớ con vô bờ mẹ vẫn sẽ đợi đến ngày hai người trở về bên mình.
Hai mươi năm sau
Đón đợi thu vào tầm tay
Rồi con lớn khôn . . . hai mươi tuổi đời
Như mẹ ngày nay
Con vui lên đường à à . . . ơi
Con say tiếng gọi dị thường
Len trong giấc ngủ đêm trường
À à ơi . . . tiếng gọi quê hương
Con ơi à ơi . . .
Me nhìn thân thể ngọc ngà
Mẹ trông con
Trong niềm hy vọng bao la
Mây đen giăng trời à . . . à . . . ơi
Đã ngóng chờ con
Mong vào giấc ngủ
Giấc ngủ . . . lộng ngàn kiêu sa
Nên con của mẹ cứ yên tâm mà say giấc, một “giấc ngủ lộng ngàn kiêu sa”. Dù ngoài kia “mây đen giăng trời, đã ngóng chờ con” nhưng đừng lo lắng vì con đã có mẹ. Mẹ sẽ luôn bảo vệ và chăm chút cho “thân thể ngọc ngà” của con đến “hai mươi năm sau” - khi con đủ sức tự bước trên đôi chân của bản thân mình. Vì con chính là niềm tin, là tình yêu, là mộng ước và là “niềm hy vọng bao la” của lòng mẹ. Tất cả những điều đó mẹ đã trao gửi hết vào trong tiếng ru con đầu tiên của đời mình: “à… ơi, ơi à ơi… ”
Như lời ru của người mẹ nhẹ nhàng và êm dịu, Lời Của Mẹ đã thấm sâu trong lòng của những con người yêu nhạc đến tận bây giờ qua “tiếng ru” ngọt ngào của biết bao nhiêu ca sĩ như Thanh Tuyền (hát trước 1975), Giao Linh, Phi Nhung…