Cảm nhận ca khúc "Ru Ta Ngậm Ngùi" - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi tìm lại chính mình vì cuộc đời đã trôi đi qúa nhanh _ TMCX

   

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.

Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên

Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình

Xin người hãy gọi tên.

Đó là những câu hát mở đầu quen thuộc trong bài ca bất hủ Ru Ta Ngậm Ngùi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những câu hỏi đầy da diết “môi nào hãy còn thơm”, “tóc nào hãy còn xanh”. “tim nào có bình yên” khiến cho trong lòng của tôi trào dâng lên một nỗi xót xa khó tả. Tôi không biết phải gọi tên nó ra như thế nào, tôi chỉ cảm giác rằng cuộc đời đã trôi đi quá nhanh để cho môi thơm, tóc xanh và con tim bình yên của người nhạc sĩ ấy đã vụt bay khi ông còn chưa kịp cảm nhận được hết những điều tươi đẹp của chúng mang lại. Nên ông mới phải “ngậm ngùi” tìm kiếm lại một chút dư âm từ chúng để có thể “phơi cuộc tình”, tìm kiếm “chút hồn nhiên” và “rêu rao” cuộc đời của mình một chút. Nhưng tất cả những thứ đó, chính bản thân ông cũng không thể nào gọi tên của nó ra được, nên cũng đành cầu xin chút hy vọng nơi những người xa lạ rằng “xin người hãy gọi tên”! 

 

Từ những câu hát đầu tiên đó ta cũng đã thấy được những sự “ngậm ngùi” đầu tiên rất rõ ràng của tác giả. Có lẽ vì ông đang còn vương vấn lắm những thứ đã trải qua nơi thời thanh xuân tươi đẹp. Nó qúa tươi đẹp đến mức mà ông cảm thấy mình vẫn chưa thể hiện được hết những thứ mà mình cần thể hiện, và càng không bao giờ muốn nó trôi đi. Nhưng sự thật luôn bị thời gian nhấn chìm, và tuổi xuân, cái tuổi mà tóc hãy còn xanh và môi hãy còn thơm cũng vậy mà thôi.

Những niềm đau đầu đời, những khó khăn, thử thách đầy những chông gai của cuộc sống đã dần dần làm biến mất đi sự sôi động nơi con tim của tuổi trẻ. “Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn” trái tim dường như đã tách khỏi cả cơ thể đang tràn đầy nỗi u uất khi tình yêu đã quay lưng. Hình ảnh “con chim đứng lặng câm” “trên giọt máu cuồng điên” và bàn tay tràn đầy rong rêu “khi về trong mùa đông” ấy khiến cho tôi cảm thấy một sự thất vọng rất tràn đầy, thất vọng đến mông lung. Dường như ông lúc đó không còn có thể nhận thấy được những điều gì xung quanh, lạc lõng, bơ vơ không thể tìm thấy con đường trở về cho chính cõi lòng mình nữa. Nên đành “chờ những rạng đông” để có thể nhìn rõ hơn lối đi của cuộc đời mình.

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Ru Ta Ngậm Ngùi” Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Ru Ta Ngậm Ngùi” Trình bày: Khánh Ly

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Ru Ta Ngậm Ngùi” Trình bày: Tuấn Ngọc

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Ru Ta Ngậm Ngùi” Trình bày: Tuấn Ngọc

 

Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn

Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm

Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng.

Thôi chờ những rạng đông..

Nhưng sao khi rạng đông ló dạng, ông vẫn thấy cuộc đời của mình “im ắng” “như đồng lúa gặt xong”, “như rừng núi bỏ hoang”. Rồi như không thể tin vào hiện thực đầy “hoang sơ” ấy của cuộc đời mình “người về soi bóng mình”, nhưng giữa bức tường trắng chỉ có thứ duy nhất là chiếc bóng của cuộc đời in hằn lên đó. Tâm hồn của ông lúc đó chắc bơ vơ lắm, cô đơn lắm, biết tìm đâu nữa chính mình của ngày xưa, những ngày tháng tràn đầy những màu sắc tươi đẹp của ngày xưa. 

Chân bước lang thang qua từng con phố, nhưng ông lại tự hỏi liệu “có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày”? Dường như chỉ có ngày xưa mới có những con phố như thế, và giờ nó chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của ông mà thôi. Và cả những “sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi” cũng chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi. Giờ đây đã không còn lại bất cứ thứ gì “không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời” và cũng không còn chờ ai nữa rồi. Quá khứ giờ có thể tìm lại nơi đâu?

Xin chờ những rạng đông

Đời sao im vắng

Như đồng lúa gặt xong

Như rừng núi bỏ hoang

Người về soi bóng mình.

Giữa tường trắng lặng câm.

 

Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày

Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi

Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời

Không chờ, không chờ ai

Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đời

Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay

Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,

Xin ngủ dưới vòm cây …

Cả một hành trình ông tự đi tìm lại chính mình của quá khứ, những niềm vui, những hạnh phúc, và cả những nỗi buồn. Nhưng những thứ ấy có tìm kiếm bằng cách nào cũng không thể có lại được nữa. Hiện thực đáng sợ, nhưng ông đã biết, đã hiểu và sẽ chấp nhận một cách nhẹ nhàng nhất. Răng giờ cuộc sống của ông chính là sự cô đơn, đã không còn tồn tại bóng dáng của em  nữa. Nên “em về, hãy về đi” dù cho có một đời phiêu du thì đó cũng chính là cuộc đời của mình, và tất nhiên sẽ không cần sự thương hại của người khác. Cuộc đời của ông giờ đây bình yên đến lạ với tràn ngập một mùi trầm hương “ta thắp nốt chiều nay”. Và trong không gian đó ông chỉ xin một lần được như trẻ thơ được nằm trọn trong vòng nôi để được ngủ một giấc ngủ yên bình, cho dù giấc ngủ đó là dùng cả một đời “ngậm ngùi” của chính mình để mà ru. Ông còn xin được “ngủ dưới vòm cây” - có lẽ đây là lúc ông muốn trở về nơi cội nguồn, nơi ban sơ nhất, yên bình nhất nơi đáy lòng của chính mình.

Rất nhiều bài hát của ông chứa đựng những lời ru khác nhau, kể cả những bài hát trong tựa đề không có lời ru thì lời ca cũng có. Nhiều người hỏi ông, có phải ông sáng tác nhiều lời ru như vậy vì trong cuộc sống ông đã ru rất nhiều người phụ nữ hay không? Ông trả lời rằng: “Ru như thế không phải là ru em, mà thực chất là tôi tự ru tôi. Tự ru để thanh lọc tâm hồn không vương một chút oán hờn nào.”

 

Đôi khi tôi thấy Trịnh Công Sơn thực chất không phải một người thường. Nhưng đôi khi tôi cũng có suy nghĩ có lẽ ông cũng như những người bình thường của chúng ta mà thôi, cũng có những cảm xúc vui, buồn, giận hờn và oán trách khi tải qua cùng một sự việc nào đó. Nhưng có người thì cứ mãi không thoát ra được những cảm xúc tiêu cực mà tự dày vò chính bản thân mình, và cũng có người bằng một cách nào đó họ có thể tìm được sự bình an trong chính tâm hồn mình rồi từ đó sống cuộc sống bình lặng của chính họ. Riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì cách đó chính là dùng lời ru để an ủi chính cõi lòng mình. Những lời ru khiến cho ông như được nghe những lời của mẹ dạy dỗ, nghe được những nỗi đau của cuộc đời để nhìn lại chính bản thân mình, nghe được những thanh thản bình lặng nơi chính con tim mình và tìm được những lời giải đáp cho chính bản thân… và cũng có thể là còn nhiều điều khác nữa mà chúng ta không hiểu được.

Từng lời ca như là lời ru của Ru Ta Ngậm Ngùi được cất lên từ giọng hát huyền thoại Khánh Ly làm cho lòng tôi cũng có một bình yên đến lạ thường… Đúng là… không bao giờ có thể diễn tả rõ ràng cảm xúc của chính mình khi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn.

 

Lời bài hát “Ru Ta Ngậm Ngùi” Tác giả: Trịnh Công Sơn

 

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.

Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên

Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình

Xin người hãy gọi tên.

 

Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn

Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm

Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng.

Thôi chờ những rạng đông..

 

Xin chờ những rạng đông

Đời sao im vắng

Như đồng lúa gặt xong

Như rừng núi bỏ hoang

Người về soi bóng mình.

Giữa tường trắng lặng câm.

 

Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày

Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi

Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời

Không chờ, không chờ aị

 

Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đờị

Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay

Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,

Xin ngủ dưới vòm cây …

 

Lối Cũ biên soạn