Nhạc sĩ Hoài Linh là một người rất nổi tiếng trong làng nhạc vàng. Ông có những tác phẩm cực kì nổi tiếng mà khi nhắc tên không ai là không biết như: Về đâu mái tóc người thương, Áo em chưa mặc một lần, Căn nhà màu tím…
Nhạc sĩ Hoài Linh
Và bài hát tôi muốn nhắc đến sau đây là: “Lá thư không gửi”. Có thể có nhiều người không biết đến bài hát này, nhưng những người mê đắm nhạc vàng thì không thể không biết. Tuy nó không được phổ biến, nhưng những lời ca của nó lại mang một ý nghĩa khiến người nghe không thể ngừng vương vấn và có một chút luyến tiếc.
Bài hát cũng được cất lên đầy truyền cảm bằng giọng ca của ca sĩ Thanh Thúy và Thanh Phong. Đây cũng là lần song ca hiếm hoi của bà trong sự nghiệp hơn 60 năm ca hát của mình. Bài hát là 1 câu chuyện tình đầy vương vấn cho người nghe:
Nghe lại ca khúc "Lá Thư Không Gửi" Tác giả: Hoài Linh | Trình bày: Thanh Thuý - Thanh Phong
Bấm vào Video để nghe ca khúc "Lá Thư Không Gửi" Trình bày: Thanh Thuý - Thanh Phong
“Đứng trước nhau ngại nói,
đường xa không thuận lối viết thư thay lời.
Muốn viết câu hỏi thăm ai,
bao nỗi niềm vơi mà không quen người.
Vẫn biết vui đời lính ai không vương tâm tình
giấy trắng nét mực xinh trăng lên xuyên qua mành
không gian giăng mây thành
Vạn câu thương nhớ viết lên lời thơ.”
Quá rõ ràng đây là tâm tình của một người lính trẻ, dường như vừa gặp đã đem lòng nhớ nhung một cô gái. Vì khi gặp nhau thì anh “ngại nói” để rồi “đường xa không thuận lối” nên đành trao gửi tâm tình vào những trang thư. Và cũng vì “ngại nói” nên dù muốn “hỏi thăm” thì cũng ngại vì “không quen người”. Thế là anh đành gửi tạm tâm tư vào ánh trăng, vào trang giấy với những “lời thơ”.
Ai biết đâu cô gái ấy cũng vậy:
“Anh hỡi anh người trai hẹn đi xây ngày mới gió lộng hương đời.
Thắm thiết như tình quân dân
thôn xóm dừng chân gặp nhau mấy lần.
Lá thắm vươn cành biếc đôi chim trao duyên hiền
Muốn nói câu làm quen nhưng không ai khơi đầu
Anh đi ngang qua cầu
Vội nghiêng nón dấu đứng vịn cành dâu.”
Thì ra hai người là gặp nhau như vậy. Là “gặp nhau mấy lần” nhưng chỉ dám nhìn nhau, trao cho nhau sự cảm mến qua ánh mắt. Lá thắm vươn cành biếc đôi chim trao duyên hiền. Và bởi vì chàng ngại nói, nàng thì e thẹn nên dù lá đã “thắm vươn cành biếc”, đôi chim cũng đã “trao duyên hiền” nên hai người vẫn cứ thế lướt qua nhau trong sự tiếc nuối trong tâm hồn của nhau.
Nghe lại ca khúc "Lá Thư Không Gửi" Tác giả: Hoài Linh | Trình bày: Duy Khánh
Bấm vào Video để nghe ca khúc "Lá Thư Không Gửi" Trình bày: Duy Khánh
Với sự luyến tiếc không nguôi ấy, cô gái cũng đành mượn trang giấy trao gửi những tâm tình trong lúc “Tàn canh”. Trong thư cô đã gửi trao hết lòng mình. Cô mong rằng “nợ non sông” sẽ “đền xong”, để họ có thể “vui đời sống chung” dưới mái nhà tranh. Để quê hương yên bình và họ cũng có thể cùng “ngắm trông vầng trăng” để cùng nhau “cười trao duyên.”
“Tàn canh em ngồi viết
nhờ chim uyên chuyển đến chiến sĩ câu ước nguyền
Ngày đêm em cầu mong nợ non sông đền xong
Mái tranh hiền vui đời sống chung.
Niềm tâm tư trìu mến
hòa lời thơ còn quyến luyến tiếc cung u huyền
Tình quê hương dịu êm!
Tình đôi ta đẹp thêm ngắm trông vầng trăng cười trao duyên.”
“Anh hỡi anh người trai
từ phương xa một sớm bước hành quân dồn.
Nắng cháy xe vành môi tươi vai áo bạc phai, miệng vẫn vui cười.
Khoé mắt như thầm nói em mơ em yêu đời
muốn nói nhưng lại thôi em e ai chê cười
nên em ghi đôi lời
Mượn trang giấy trắng gửi người ngàn phương.”
Những lời yêu thương mà cô gái muốn nói với chàng trai nhưng “e ai chê cười” đã được cô trao gửi trọn vẹn nơi trang giấy trắng, để gửi đến người thương ấy, người nơi “ngàn phương” xa xôi ấy. Nhưng phải gửi như thế nào đây? Gửi ra sao khi hai người vẫn chưa nói với nhau được một lời? Gửi thế nào khi hai người vốn là người không quen biết? Thế nên:
“Thư này em viết
Nhưng không bao giờ, bao giờ em” gửi cho người em yêu.”
Ngay cái tên của bài hát đã gói gọn hết tất cả ý nghĩa của nó. Lá thư được viết đó vĩnh viễn sẽ không bao giờ gửi đi, nói đúng hơn là không thể gửi được dù có muốn đến chừng nào. Đây là câu chuyện tình yêu được tác giả xây dựng 1 cách chân thực nhất của những con người thời chiến loạn. Tình yêu của họ cứ thế nhen nhóm với bao nỗi khát khao, mong ước. Nhưng vì không ai dám ngỏ lời nên họ đành ôm nỗi tương tư, ôm vấn vương thêm màu sắc cho thời thanh xuân ấy. Để đến sau này vẫn như in hằn một nỗi nhớ vô hình trong lòng họ. Và cả những người yêu nhạc như chúng ta một sự luyến tiếc cho đôi lứa “yêu nhau mà không thể đến bên nhau”.
Lối Cũ biên soạn