Cảm nhận ca khúc "Đoá Hoa Vô Thường" (Trịnh Công Sơn) - Hành trình tìm kiếm sự hạnh phúc và bình an trong con tim _ Góc Xưa

   

Trong những sáng của nhac sĩ Trịnh Công Sơn, có một bài hát rất đặc biệt. Nó được sáng tác vào trước những năm 1975 nhưng kể từ lần hát đầu tiên của ca sĩ Khánh Ly thì dường như đã bị quên lãng suốt 20 năm cho đến giữa thập niên những năm 1990 mới bắt đầu được hát lại (bởi ca sĩ Khánh Ly và Hồng Nhung).

Bài hát có tên là Đóa Hoa Vô Thường. Vì sao lại nói đó là một ca khúc đặc biệt? 

Thứ nhất, là về ca từ của nó - Điều này cũng dễ hiểu vì Trịnh Công Sơn luôn biết cách làm cho những bài hát của mình trở nên rất đặc biệt bởi cách dùng từ “không giống một ai” của mình.

Thứ hai là về độ dài và giai điệu của nó - Đây có thể xem là một bài hát dài nhất của tân nhạc nếu không tính những bản trường ca. Ca từ cả một bài hát đều không lặp lại, và cả giai điệu của nó cũng được chia thành nhiều đoạn khác nhau không hề lặp lại.

Thứ ba, nó được nhiều người nhận xét rằng đây là một bài hát mà nội dung của nó đã tách khỏi hoàn toàn ba chủ đề chính trong nhạc của Trịnh Công Sơn là “tình yêu, quê hương và thân phận”.

Đó là những nhận xét mà tôi đã đọc được khi mà tôi tìm hiểu về bài hát đặc biệt này. Nhưng tôi còn có một chút vướng bận ở điều đặc biệt thứ ba. Tôi cũng cảm nhận rằng nó rất khác với những bài hát khác, nhưng khi nghe bài hát - theo cảm nhận của riêng bản thân tôi - tôi cảm thấy không phải là là tách khỏi hoàn toàn với ba chủ đề đó mà là sự hòa quyện trọn vẹn bởi cả ba - cả “tình yêu, quê hương và thân phận”. Và chúng được tạo nên một cách tài tình bởi một câu chuyện chủ đề chính là hành trình “đi tìm tình yêu - chân lý của cuộc đời”.

Có lẽ là do tôi chưa đủ “chín” để có thể cảm nhận giống như mọi người nên tôi không nhận ra được cái gốc mà nhạc sĩ muốn truyền tải. Nhưng hôm nay tôi vẫn muốn trình bày cái suy nghĩ đơn giản, cái cảm nhận của riêng tôi về bài hát này cho mọi người cùng nghe. Và có thể sau đó tôi sẽ được khơi sáng thêm điều gì đó sau khi nhận được một ý kiến từ một ai đó mà tôi chưa từng quen biết.

Bài hát dài như là hành trình đi tìm những điểm sáng trong cuộc đời của con người vậy. Đó là hành trình mà Tôi đi tìm Em. Em là một người con gái - là tình yêu, là cội nguồn và là chân lý mà Tôi phải đi tìm kiếm suốt cả cuộc đời. Hành trình đó như là một hành trình tìm kiếm “chân kinh”, tìm kiếm sự hạnh phúc và bình an trong tim của chính bản thân mình vậy.

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai

Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi

 

Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối

Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới

Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi

 

Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi

Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay

Tìm lại trên sông những dấu hài

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đoá Hoa Vô Thường" Trình bày: Hồng Nhung

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Đoá Hoa Vô Thường" Trình bày: Hồng Nhung

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đoá Hoa Vô Thường" Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Đoá Hoa Vô Thường" Trình bày: Khánh Ly

Hình ảnh của Em hiện ra mơ màng trong tâm trí Tôi, không thể nào rõ ràng bóng dáng ấy cứ lướt qua tôi là Em “mình hạc xương mai”, là Em “nụ cười mong manh” và Em “một bờ môi thơm”. Và chúng đã in sâu trong tâm trí Tôi khiến cho Tôi cứ mãi kiếm tìm. Tôi đi tìm Em, như đang “tìm trên non ngàn một cành hoa khôi”, như đang “tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi”,như đang “tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay” và như đang “tìm lại trên sông những dấu hài”. Dương như việc tìm kiếm ấy thật quá xa vời đối với một người bình thường như Tôi, nhưng tôi vẫn không bao giờ bỏ cuộc (ở đây tôi nhìn thấy được số phận khó khăn của một con người, dù cho cuộc đời có trao cho họ bao nhiêu là thử thách nhưng họ sẽ vẫn tiếp tục vững tin vào chính mình, và quyết tâm vượt qua nó), Tôi vẫn tiếp tục con đường tìm kiếm Em tôi. Tôi “tìm em xa gần”, “tìm trong sương hồng”, tìm cho đến khi “trăng tàn nguyệt tận” cũng “chưa từng tuyệt vọng đâu em”. Và rồi “trời xanh cũng không phụ lòng người” sau bao nhiêu vất vả ngược xuôi, cuối cùng Tôi “tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang” thì “bỗng” nhìn “thấy em dưới chân cội nguồn”. Thì ra là vậy, thì ra điều tôi tìm kiếm luôn ở nơi mà Tôi bắt đầu, nhưng để nhận ra, để hiểu được cái lẽ “vô thường” ấy thì Tôi phải miệt mài đi qua một vòng lớn lao của cuộc đời mình.

Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng

Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh

Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em

Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang

Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn

 

Tôi mời em về đêm gội mưa trong

Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm

Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan

Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh

Khi Tôi tìm thấy Em thì mọi vật xung quanh như nở hoa theo từng tiếng lòng vang vọng của Tôi. Đến tiếng mưa cũng tạnh dần và thay vào đó là tiếng nhạc hân hoan trong đêm tối. Nơi Em ngồi bốn bề cũng thơm ngát một mùi “hương trầm”. Ánh trăng cũng lên cao, tỏa sáng rực rỡ như “khai hội” cùng “một đóa hoa quỳnh”. 

Không gian có chút mờ mịt trong đêm mưa đã thay đổi hoàn toàn khi Tôi tìm thấy Em. Đó như là hình ảnh một cuộc đời mịt mờ đã được khai sáng lối đi khi tìm thấy chân lý chiếu rọi con đường của mình.

Và kể từ đó cuộc đời Tôi đã trở thành một cuộc sống vui tươi, tràn ngập màu sắc của hạnh phúc. Tôi mừng vui như một đứa trẻ vì “từ nay tôi đã có người” nên kể “từ nay tôi đã có tình”, Và vì đã có Em bên “đời líu lo” nên từ nay “tôi đã đắp bồi” tình cảm của hai chúng ta, để bóng hình của Tôi cũng sẽ tồn tại nơi em như là Em vẫn đang tồn tại nơi Tôi vậy.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đoá Hoa Vô Thường" Trình bày: Hồng Nhung, Mỹ Linh

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Đoá Hoa Vô Thường" Trình bày: Hồng Nhung, Mỹ Linh

Chút tình mới chớm đã viên thành” khi vừa mới tàn đông. Nên vì thế Tôi lại càng thấy niềm hạnh phúc của mình tràn ngập. Xung quanh Tôi, mùa xuân đang đến tràn ngập những tiếng ca “ái ân”, tràn ngập cả sông núi và trên từng mái nhà. Hoa sen cũng nở rộ dưới hồ, sắc hồng như tràn cả ra mặt nước, như là màu của Em Tôi, màu của tình yêu đôi ta. Dù rằng vui có, buồn có nhưng hai người vẫn luôn luôn có nhau. và Em buồn thì Tôi sẽ buồn theo, và xin nguyện “đền cả mối tình” để đổi lấy niềm vui nơi Em mà thôi.

Từ nay tôi đã có người

Có em đi đứng bên đời líu lo

Từ nay tôi đã có tình

Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa

Từ em tôi đã đắp bồi

Có tôi trong dáng em ngồi trước sân

 

Mùa đông cho em nỗi buồn

Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông

Tàn đông con nước kéo lên

Chút tình mới chớm đã viên thành

Từ nay anh đã có nàng

Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca

Mùa xuân trên những mái nhà

Có con chim hót tên là ái - ân

 

Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở

Một thuở yêu nhau có vui cùng sầu

Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào

Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh

Sen buồn một mình

Em buồn đền trọn mối tình

Hành trình tưởng như rằng đã có thể dừng chân và có một cuộc đời viên mãn. Tưởng rằng đã tìm thấy được hạnh phúc mà dù đổi lấy bằng cả quãng thời gian còn lại của cuộc đời thì Tôi cũng sẽ bằng lòng. Nhưng “sen hồng một độ”, Em cũng chỉ “hồng một thuở xuân xanh”. Vào một buổi chiều “gió mùa Thu rất ân cần” nó đã chở theo “lời kinh đến núi non”, đó là “những lời tình em trối trăn”. Cuộc tình từ đó cũng chấm vì Em đã không còn quyến luyến gì nơi đây nữa, không còn quyến luyến gì Tôi nữa. Nên cho “Dù trần gian có xót xa/ Cũng đành về với quê nhà”.

Em đã rời đi, cứ thế rời đi (có thể là đã đi nơi khác, hoặc là đã rời khỏi trần gian) và cuộc tình đôi ta cũng cứ thế mà chết theo từng “gót hồng” của bước chân Em.

 

Một chiều em đứng cuối sông

Gió mùa Thu rất ân cần

Chở lời kinh đến núi non

 

Những lời tình em trối trăn

Một thời yêu dấu đã qua

Gót hồng em muốn quay về

 

Dù trần gian có xót xa

Cũng đành về với quê nhà

 

Nhưng biết làm sao hơn, Tôi “cũng đành về với quê nhà” nhìn thẳng vào sự thật rằng từ nay không còn Em nữa. Em như là “Một chút mây phù du/ Đã thoáng qua đời ta” nhưng lại động lại trong tâm hồn tôi một “tiếng chuông não nề”. 

Hình ảnh “Ngựa hí vang rừng xa/ Vọng suốt đất trời kia” dường như đang thể hiện nỗi đau đang vỡ òa ra trong Tôi. Đó là sự bất lực, sự bàng hoàng trước những thế sự mà đời người không bao giờ có thể lường trước được, chỉ có thể học cahs chấp nhận chúng mà thôi. Cả Tôi cũng vậy, Tôi cũng cứ thế lặng im nhìn mọi thứ lướt qua, dù vẫn đang bàng hoàng biết bao nhưng vẫn phải học cách chấp nhận vậy thôi.

Từ đó trong vườn khuya

 

Ôi áo xưa em là

Một chút mây phù du

Đã thoáng qua đời ta

 

Từ đó trong hồn ta

Ôi tiếng chuông não nề

Ngựa hí vang rừng xa

 

Vọng suốt đất trời kia

Từ đó ta ngồi mê

Để thấy trên đường xa

 

Một chuyến xe tựa như

Vừa đến nơi chia lìa

 

 

 

Từ đó ta nằm đau

Ôi núi cũng như đèo

Một chút vô thường theo

Từng phút cao giờ sâu

Từ đó hoa là em

Một sớm kia rất hồng

Nở hết trong hoàng hôn

Đợi gió vô thường lên

Từ đó em là sương

Rụng mát trong bình minh

Từ đó ta là đêm

Nở đóa hoa vô thường …

Nhưng phải chấp nhận làm sao? chấp nhận bằng cách nào đây khi trong lòng luôn tràn ngập một nỗi đau, và cho dù chó nhìn đâu thì mọi vật trong mắt Tôi cũng là như nhau (núi cũng như đèo). Nhưng rồi Tôi cũng choàng tỉnh ra giữa cơn đau khi nhận ra “Một chút vô thường theo/ Từng phút cao giờ sâu”. Tôi đi tìm và gặp Em khi bắt gặp “vô thường”, và rồi Em cũng ra đi trong “vô thường” thế thôi. Nên trong “vô thường” tôi sẽ luôn luôn nhìn thấy Em. Có khi em là hoa làm thắm cả bầu trời hoàng hôn, cũng có khi Em là sương và tưới mát cả bình minh. Nên “Từ đó ta là đêm/ Nở đóa hoa vô thường”.

Một khi đã nhận ra được lẽ “vô thường” của cuộc sống thì những đớn đau, những khó khăn và những mệt mỏi trong cuộc đời của bạn sẽ tự nhiên thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, thậm chí bạn sẽ nhận ra được những niềm vui từ trong đó, và khi được hưởng những niềm vui đó bạn cũng sẽ thấy hạnh phúc như được đạt đến một tầm cao rất mới. Vì những điều đó là lẽ tự nhiên, phàm là con người thì bằng những cách khác nhau sẽ đều nếm  trải qua buồn - vui - đau - khổ ở trên đời. Và đã là con người thì sẽ có sự bắt đầu và kết thúc giống nhau mà thôi. Vậy nên cái quãng thời gian ta sống sẽ là thứ khác biệt duy nhất giữa những con người. Và nếu chúng ta kiên trì, tin tưởng vào bản thân mình không bao giờ chùn bước, bỏ cuộc trước những khó khăn, gian khổ trên con đường đi tìm “chân lý” ấy thì chắc chắn sẽ nhận lại được những điều xứng đáng. Và dù đi tới đâu, về phương nào thì “quê nhà” cũng sẽ luôn là nơi luôn giang tay chào đón chúng ta trở về.

Các bạn thấy đó, tôi nhìn thấy cả tình yêu, quê hương và cả thân phận con người trong bài hát này. Và tôi còn thấy phảng phất trong bài nhạc khung cảnh thanh bình của những ngôi chùa tôn kính và thanh tịnh, dường như cửa phật chính là nơi cho con người ta sự bình an mỗi khi cảm thấy “đời quá mỏi mệt” - dừng chân một chút sẽ tìm kiếm được thanh bình nơi cõi lòng để mà bước tiếp trên con đường đầy chông gai. Còn các bạn, các bạn nghĩ sao về điều đó? 

Lối Cũ biên soạn