Ngày hôm nay tôi cùng một người bạn ra sân bay để tiễn một “người bạn đặc biệt” của cô ấy đi đến bên kia vùng trời. Nhìn hai người họ quyến luyến, thiết tha không rời trong từng cử chỉ, từng ánh mắt bỗng dưng trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc rất khó để diễn đạt. Bên tai tôi cũng chợt nghe thoang thoảng vang lên từng lời ca nhẹ nhàng:
tôi với em
dương trần vai tiễn đưa
ngày hôm qua trong nắng thiên đường
ngày hôm nay lo âu tìm về nơi bến ngân
Những lời ca nhẹ nhàng đầy sâu lắng của Chiều Phi Trường - một sáng tác của nhạc sĩ Lê Uyên Phương - làm cho lòng tôi không khỏi bồi hồi. Trong âm nhạc những hình ảnh như sân ga, phi trường,... đã trở thành những biểu tượng của sự chia ly, của nỗi buồn, sự cô đơn và hiu quạnh cho một người đi và một người ở lại.
Nhạc sĩ Lê Phương Uyên và vợ (ca sĩ Lê Uyên, tên thật Lâm Phúc Anh)
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương cũng thế, ngay tựa đề bài hát đã chứa đựng một nỗi buồn vương vấn của một cuộc chia ly:
tôi với em
dương trần vai tiễn đưa
ngày hôm qua trong nắng thiên đường
ngày hôm nay lo âu tìm về nơi bến ngân
những đóa hoa phai hồng trong mong chờ
xin hãy xanh như thời gian, thời gian
“Tôi với em” ngày hôm qua đang còn tràn ngập “trong nắng thiên đường”, đang còn tay trong tay cùng với những hạnh phúc hân hoan. Nhưng ngày hôm nay đã phải “dương trần vai tiễn đưa”, đã phải “lo âu tìm về nơi bến ngân”. “Những đóa hoa” hôm nay còn nở rộ một màu xuân sắc thì ngày mai chắc chắn sẽ “phai hồng trong mong chờ” - nhưng họ chỉ cầu xin cho “đóa hoa” tình yêu trong lòng họ sẽ mãi còn tươi đẹp và “xanh như thời gian, thời gian”.
“Tôi với em” dù cho ngày mai có phải cách xa hai phương trời, cho dù ở nơi đâu cũng sẽ không bao giờ “thiết tha” chốn “phồn hoa”, mà chỉ xin trọn một lòng cùng nhau xây đắp một “ước mơ” - ước mơ sẽ sớm được trùng phùng để cùng nhau nắm tay đi đến một tương lai chỉ có hai người và tình yêu của họ.
tôi với em
xin cùng xây ước mơ
dù mai đây xa cách muôn trùng
dù mai đây nơi xa phồn hoa không thiết tha
những cánh chim trong hồng hoang thiên đường
sẽ quên hay còn yêu, còn yêu nhân tình
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Tình Đời” Trình bày: Vũ Khanh, Ngọc Lan
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tình Đời” Trình bày: Vũ Khanh, Ngọc Lan
Dù họ không thể nào biết được “những cánh chim trong hồng hoang thiên đường, sẽ quên hay còn yêu” nhưng họ biết lòng họ sẽ cùng chung một mộng ước, sẽ luôn hướng về nhau sẽ luôn “còn yêu nhân tình”. Nên khoảng cách không gian đối với họ sẽ chỉ càng làm cho nỗi nhớ và tình yêu càng “thêm thiết tha” hơn nữa mà thôi.
Nói như vậy không có nghĩa là giờ phút chia ly sẽ không làm cho họ buồn. Ai tiễn người yêu cách xa khỏi mình mà không buồn cho được cơ chứ? Có khi họ còn buồn gấp đôi người khác, buồn luôn phần của người kia nữa. Vì họ hiểu và lo lắng cho tâm thế của người kia, khi phải xa nhau thì sẽ âm thầm ôm nỗi buồn một mình trong sự cô đơn: “buồn rơi ướt vai, buồn ai có hay”, và buồn “cho dòng nước mắt trôi mau”
Một lần xa cách
lòng thêm thiết tha
buồn rơi ướt vai
buồn ai có hay
cho dòng nước mắt
cho dòng nước mắt
cho dòng nước mắt
trôi mau
“Tôi với em” hôm nay trong chia ly sẽ nguyện cùng nhau “mang niềm tin trắng trong” - một niềm tin vững bền theo năm tháng để đợi ngày hai đứa được sum vầy.
Cho dù “tinh khôi không in dấu dương trần”, cho dù “thơ ngây vùi sâu theo tháng năm” thì hai người họ cũng chỉ cầu xin cho tình yêu ấy sẽ vẫn luôn nguyên vẹn như buổi ban đầu. Cầu xin cho “những đớn đau trong tiền duyên đọa đày” như ngày hôm nay sẽ “tha cho ngày mai, ngày mai, ngày mai”
tôi với em
mang niềm tin trắng trong
dù tinh khôi không in dấu dương trần
dù thơ ngây vùi sâu theo tháng năm
những đớn đau trong tiền duyên đọa đày
xin hãy tha cho ngày mai, ngày mai, ngày mai
Câu nhạc kết cuối cùng sao mà lại khiến lòng tôi day dứt và xuyến xao vô bờ. Có lẽ những “đớn đau” họ đã chịu là quá nhiều, những xa cách đối với đôi tình nhân ấy đã quá quen thuộc với họ (từ trong tiền duyên) cho đến ngày “hôm nay”. Nên họ chỉ cầu xin những nỗi đau ấy buông “tha” cho cuộc tình của họ vào “ngày mai… ngày mai… … ngày mai… … …”. Ba từ ngày mai được hát với tone nhạc mỗi lần một cao hơn, một kéo dài hơn như là chính ước mong của họ - ước mong rằng ngày mai, ngày mai nữa và ngày mai trong tương lai xa xa nữa họ sẽ được hưởng niềm hạnh phúc dduocj chung bước trên một con đường. Con đường mà họ đã cùng nhau xây đắp một ước mơ chung vượt cả không gian lẫn thời gian bao nhiêu lâu nay.
Tôi không biết Chiều Phi Trường được ra đời bao lâu và như thế nào nữa. Tôi chỉ biết mình đã được nghe những ca từ ấy từ khi còn rất nhỏ, và đến bây giờ đã hơn nửa đời người trôi qua, cái cảm xúc của bài hát ấy chỉ tăng thêm trong tôi mỗi lần được nghe lại. Có lẽ người ta nói đúng, càng lớn tuổi, càng có nhiều trải nghiệm, cảm xúc cũng sẽ được cảm nhận nhiều thêm một chút.
Lối Cũ biên soạn